Đẩy nhanh xây dựng hình ảnh, thương hiệu cá tra
Ngày đăng: 16/07/2019

Sản lượng và chất lượng cá tra của địa phương có vị trí cao trên thị trường trong và ngoài nước. Thực tế cho thấy, con cá tra đã – đang chịu những áp lực nhất định trước rào cản của một số thị trường, kéo theo đó là giá của mặt hàng thủy sản này có những biến động khá lớn.

Áp lực này đặt ra nhiều thách thức đối với ngành hàng cá tra; trong đó, nhu cầu bức thiết là đẩy nhanh việc xây dựng thương hiệu cá tra Việt Nam nói chung, Đồng Tháp nói riêng. 

Đã từng phát triển “quá nóng” 

Theo thống kê của Sở Công Thương Đồng Tháp, sản lượng thu hoạch cá tra theo Kế hoạch năm 2019 khoảng 614 nghìn tấn.

Ước 6 tháng đầu năm 2019 trên địa bàn tỉnh, diện tích thả nuôi cá tra đạt 1.900 ha, sản lượng thu hoạch đạt 265 nghìn tấn; trong đó, sản lượng chế biến cá tra phi-lê xuất khẩu ước đạt hơn 160 nghìn tấn, tăng 25,5% so với năm 2018.

Tính đến ngày 31/5/2019, trữ lượng tồn kho tại các doanh nghiệp chế biến thủy sản là khoảng 34,6 nghìn tấn. 

Cập nhật giá cá tra trên thị trường, trong những ngày qua, cá tra thương phẩm và cá giống đều giảm khá sâu và đang ở ngưỡng thấp nhất trong 10 năm qua. Hiện các nhà máy thu mua cá tra chỉ còn khoảng 19.000 - 20.000 đồng/kg, giảm bình quân 8.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2018. Với giá này người nuôi lỗ từ 3.000 - 5.000 đồng/kg. 

Ông Hà Bửu Khánh - Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương Đồng Tháp lý giải, nguyên nhân chính khiến giá cá tra nguyên liệu thời gian gần đây giảm mạnh là tình trạng tăng nóng diện tích sau đợt tăng giá năm 2018. Kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2018 đạt ngưỡng kỷ lục 2,3 tỷ USD. 

Trong thời điểm tăng giá, “người nuôi có khi lãi tới khoảng 10.000 đồng/kg, do đó, nhiều hộ đổ xô nuôi dẫn đến năm nay nguồn cung lớn”. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng cá tra của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long 5 tháng năm 2019 ước đạt gần 475.500 tấn, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Theo kế hoạch năm 2019, Đồng Tháp dự kiến xuất khẩu 325 nghìn tấn cá tra, kim ngạch dự kiến đạt 1,035 tỷ USD. Tuy nhiên 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu đạt 134.622 tấn, kim ngạch đạt 420,8 triệu USD; giảm 11% về lượng so cùng kỳ năm 2018; trong đó, thị trường Trung Quốc giảm 14%, thị trường Mỹ giảm 25%. 

Ông Khánh cho biết, năm 2018, thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng 30,7% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra Đồng Tháp, thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng 24%. Khi lượng tiêu thụ cá tra ở nước ngoài chững lại, đặc biệt là thị trường chiếm thị phần lớn như Mỹ và Trung Quốc, tác động lớn đến kim ngạch xuất khẩu cá tra của tỉnh.

 Thu hoạch cá tra ở vùng nuôi cá tra thương phẩm của Công ty Cổ phần Xuất Nhập Khẩu Thủy Sản An Mỹ. Ảnh: Công Mạo-TTXVN

Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam nhìn nhận, trước lợi nhuận cá tra cao nên các vùng nuôi cá tra trong nước đã xuất hiện tình trạng phát triển “nóng”, dẫn đến sản lượng tăng, tạo sự dư thừa.

Một số quốc gia khác có điều kiện khí hậu tương đồng với Việt Nam cũng bắt đầu tham gia vào sản xuất và xuất khẩu cá tra. Thời gian gần đây, một số quốc gia tăng mạnh diện tích nuôi cá tra như: Ấn Độ, Indonesia, Banglades, Trung Quốc… 

"Hiện nay để phục vụ chế biến, xuất khẩu hầu hết các doanh nghiệp đều xây dựng vùng nuôi ổn định và gần như không thu mua nhiều ở các vùng nuôi bên ngoài không liên kết. Do đó, trong đợt giảm giá sâu lần này, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún không có liên kết đầu ra là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất và chịu ảnh hưởng nhiều nhất", ông Quốc nói. 

Đối mặt với những khó khăn hiện tại, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho rằng, thời gian tới, các địa phương cần chấn chỉnh lại vấn đề liên kết vùng, liên kết sản xuất giữa các tỉnh nhằm điều tiết sản lượng. Các địa phương đẩy mạnh xúc tiến thương mại tại các thị trường truyền thống và thị trường mới, đặc biệt, phải đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm…để tham gia cạnh tranh với các nước khác. 

Cần đẩy nhanh xây dựng thương hiệu 

Con cá tra đã được Chính phủ công nhận là sản phẩm quốc gia, một trong những sản phẩm chủ lực của Việt Nam, xuất khẩu cho khoảng 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Song phải nhìn nhận rằng, thời gian qua, con cá tra đã trải qua nhiều biến cố, lúc thăng lúc trầm.

Giờ đây, cá tra Việt Nam không còn ở thời vàng son “một mình một chợ” như trước đây. Cho nên, “xây dựng thương hiệu cho con cá tra là vấn đề cấp thiết”, ông Dương Nghĩa Quốc nói.

Chế biến cá tra phi lê xuất khẩu. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Lý giải về điều này, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết, thời gian qua, trong quá trình cạnh tranh, sản phẩm cá tra cũng bị các nước bôi bẩn hoặc có những chính sách thuế chống bán phá giá vô lý để bảo hộ sản phẩm ở nước sở tại...

Vì vậy, việc chưa xây dựng được hình ảnh, thương hiệu con cá tra đối với người tiêu dùng ở các nước, dẫn đến việc phát triển và xuất khẩu phải đối diện với nhiều khó khăn, giá cả không ổn định. Do đó, càng sớm xây dựng thương hiệu cá tra và đảm bảo sản phẩm có chất lượng, thì ngành hàng này mới phát triển ổn định, bền vững và mang lại hiệu quả cao hơn. 

“Muốn xây dựng hình ảnh con cá tra, chúng ta phải đi từ đầu vào đến đầu ra, đó không là câu chuyện riêng của người dân, doanh nghiệp hay nhà nước. Đó là câu chuyện dài hơi, phải được quan tâm từ con giống, theo dõi quy trình công nghệ chế biến thức ăn, công nghệ nuôi, làm sao đưa ra các sản phẩm an toàn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo các quy trình, tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu”, ông Quốc nhấn mạnh. 

Đồng Tháp là một trong các địa phương đứng đầu cả nước về diện tích, sản lượng, kim ngạch xuất khẩu. Hiện, toàn tỉnh có 20 doanh nghiệp nuôi cá tra xuất khẩu với diện tích hơn 965 ha. Trong thời gian qua, địa phương rất quan tâm đến sản xuất, chế biến, xuất khẩu gắn với xây dựng hình ảnh, thương hiệu cá tra Đồng Tháp theo hướng “phát triển bền vững, đảm bảo chất lượng, thân thiện môi trường và an sinh xã hội”. 

Theo đó, Đồng Tháp đã rà soát, quy hoạch vùng nuôi cá tra cho phù hợp tình hình thực tế và tận dụng, khai thác tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên; nâng cao chất lượng con giống; hỗ trợ và khuyến khích các trang trại nuôi cá tra áp dụng và chứng nhận nuôi thủy sản tốt theo hướng bền vững...

Đến nay, qua ghi nhận thực tế, đa phần các diện tích nuôi đều có liên kết để “làm vệ tinh” cung ứng nguồn nguyên liệu cho các doanh nghiệp và ngoài ra, toàn tỉnh cũng có gần 1.000 ha sản xuất cá tra theo quy trình chuẩn VietGAP. 

Không chỉ vậy, nhận diện điểm nghẽn lớn nhất của tỉnh là quy mô sản xuất chưa đồng bộ, còn nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; chất lượng sản phẩm giữa các vùng miền đôi lúc không đồng đều, Đồng Tháp đã tăng cường kiểm tra chất lượng các yếu tố vật tư đầu vào của quá trình sản xuất; giám sát và ngăn ngừa tình hình sử dụng các chất cấm nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. 

Song song đó, tỉnh cũng thúc đẩy, phát triển chuỗi liên kết tiêu thụ trong nuôi cá tra giữa người nuôi với doanh nghiệp sản xuất thức ăn và doanh nghiệp chế biến.

Vận động các hộ nuôi cá thể liên kết với nhau thành lập Hội quán, Tổ hợp tác, Hợp tác xã nhằm tăng quy mô sản xuất, thuận lợi cho việc tiêu thụ cũng như ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ mới vào nuôi cá tra như sử dụng chế phẩm sinh học, nuôi tuần hoàn,...nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất./.

                                                                                                                                                                       Theo TTXVN online

Tin cùng danh mục

Quy định mới về quản lý, sử dụng đất trồng lúa

Chính phủ ban hành Nghị định số 62/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng ...

07:43 28/03/2024

Hai phương án sản xuất lúa cho Đồng bằng sông Cửu Long

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị sơ kết sản xuất trồng trọt vụ Hè Thu, triển khai sản xuất vụ Thu Đông, vụ mùa 2019 tại Đông ...

07:43 28/03/2024

Tăng cường công tác kiểm dịch thực vật đối với quả tươi xuất khẩu

Cục Bảo vệ thực vật đã ban hành công văn số 1664/BVTV-KD ngày 02/07/2019 về việc tăng cường công tác kiểm dịch thực vật đối với quả tươi xuất khẩu.

07:43 28/03/2024

Quy định mức hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

Ngày 14 tháng 5 năm 2018, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Quyết định Số: 11/2018/QĐ-UBND Về việc quy định mức hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục ...

07:43 28/03/2024