Ban Thường vụ Tỉnh uỷ vừa thống nhất danh sách 10 sự kiện nổi bật của tỉnh năm 2019
Ngày đăng: 06/01/2020

1. Đồng Tháp đứng tốp đầu Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và Chỉ số Cải cách hành chính năm 2018, là địa phương đầu tiên cả nước chuyển giao dịch vụ hành chính công sang bưu điện

Theo đó, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 của Đồng Tháp xếp thứ 2 với 70,19 điểm, tăng 01 hạng so với năm 2017. Đây là năm thứ 11 liên tiếp Đồng Tháp nằm trong nhóm 05 tỉnh, thành phố đứng đầu PCI cả nước và lần thứ 3 tỉnh được xếp hạng nhì.

Chỉ số cải cách hành chính (PAR index) 2018 của tỉnh Đồng Tháp đạt 83,71 điểm, xếp thứ 3 và tăng 11 bậc so với năm 2017. Trong 08 tiêu chí PAR Index năm nay, Đồng Tháp xếp hạng nhất về công tác chỉ đạo điều hành cải cách hành chính, đạt điểm tối đa với 9/9 điểm.

Đồng Tháp là địa phương đầu tiên của cả nước triển khai thực hiện mô hình thí điểm chuyển giao các nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công. Qua hơn 01 năm thí điểm triển khai mô hình này, hơn 01 triệu hồ sơ thủ tục hành chính tại Đồng Tháp đã được tiếp nhận và trả kết quả qua Bưu điện.

2. Khánh thành Tượng đài sự kiện Tập kết chuyển quân tại Cao Lãnh năm 1954

Công trình được xây dựng trên khuôn viên 12.000m2, ngay tại địa điểm diễn ra sự kiện Tập kết năm 1954. Đây là sự tri ân của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Đồng Tháp đối với các cán bộ, chiến sĩ và con em miền Nam đã từng tham gia tập kết ra Bắc ngay tại mảnh đất Cao Lãnh. Công trình còn hứa hẹn là điểm đến tham quan cho du khách khi đến Đồng Tháp và là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

3. Hình ảnh, cuộc đời và chiến công của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Bảy lan tỏa cả nước

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Bảy (1936 - 2019) sinh tại làng Hậu Thành, tổng An Phong, quận Lai Vung, tỉnh Sa Đéc (nay là ấp Hậu Thành, xã Tân Dương, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp).

Với những chiến công và sự anh dũng trong chiến đấu, ông được Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân chương cao quý (Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương chiến công v.v.), được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

4. Đồng Tháp xuất khẩu lô xoài đầu tiên sang thị trường Hoa Kỳ, nhiều sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu được giới thiệu đến người tiêu dùng trong và ngoài nước, có 5 doanh nghiệp nhận “Cánh sếu vàng”

Sau 10 năm nỗ lực, trái xoài Việt Nam, trong đó có xoài Cao Lãnh đã chính thức có “giấy thông hành” để xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Việc trái xoài chen chân vào một thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng đã mở ra cơ hội mới cho nông sản Việt Nam nói chung và tỉnh Đồng Tháp nói riêng, đồng thời từng bước khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.

Lần đầu tiên, các sản phẩm đặc trưng của tỉnh được đẩy mạnh quảng bá tại hệ thống siêu thị BigC, trụ sở Quốc hội v.v. nhằm giới thiệu tới người tiêu dùng cả nước và các đại biểu Quốc hội về những sản phẩm đạt chuẩn an toàn, có tiềm năng xuất khẩu của tỉnh Đồng Tháp.

Cũng trong năm qua, Trung tâm thương mại Vincom Plaza Cao Lãnh chính thức hoạt động. Đây là thành viên thứ 71 của hệ thống Trung tâm thương mại Vincom trên cả nước và là Trung tâm thương mại thứ 2 tại tỉnh Đồng Tháp (sau Vincom Sa Đéc). Đây là công trình hiện đại, quy mô lớn, là khu mua sắm phong phú hàng hóa, nhiều dịch vụ, giải trí cao cấp, góp phần thúc đẩy phát triển thương mại, tạo điểm nhấn cảnh quan và diện mạo cho tỉnh Đồng Tháp.

Vượt qua 2.000 doanh nghiệp trong cả nước, Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế Domesco, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn, Công ty Cổ phần Bích Chi, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Sa Giang được công nhận danh hiệu Cánh sếu vàng. Kết quả này cho thấy, uy tín của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng đáp ứng tốt yêu cầu của người tiêu dùng, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá trong nước và quốc tế.

5. OCOP - Sự chấp cánh cho các tài nguyên bản địa và khơi dậy giá trị địa phương

Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là chương trình được triển khai từ Trung ương đến địa phương để phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Việc đánh giá và xếp hạng sản phẩm dựa trên bộ tiêu chí với 03 phần: các tiêu chí đánh giá sản phẩm và sức mạnh cộng đồng, các tiêu chí đánh giá khả năng tiếp thị, các tiêu chí đánh giá chất lượng sản phẩm.

Kết quả, năm 2019, Đồng Tháp có 70 sản phẩm tham gia dự thi và đạt tiêu chí sản phẩm OCOP theo quy định.

6. Tuần lễ Văn hoá Du lịch tỉnh Đồng Tháp năm 2019 với nhiều nét đặc sắc, Khu Di tích Xẻo Quýt và Khu du lịch Văn hoá Phương Nam được công nhận là điểm du lịch tiêu biểu Đồng bằng sông Cửu Long năm 2019

Tuần lễ Văn hóa, Du lịch tỉnh Đồng Tháp năm 2019 với chủ đề “Tình người thắm đượm hồn sen” diễn ra từ ngày 10 - 14/7/2019, tại thành phố Cao Lãnh với chuỗi các hoạt động phong phú, trong đó nổi bật là Không gian Văn hóa Du lịch thành phố Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) – thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) với nhiều hoạt động giới thiệu những nét đặc sắc về du lịch của 2 địa phương. Đây là sự kiện du lịch thu hút nhiều lượt khách tham quan, du lịch nhất từ trước đến nay với trên 680.000 lượt khách.

Song song đó, năm 2019, Hiệp Hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long đã có quyết định công nhận Khu Di tích Xẻo Quýt và Khu Du lịch văn hoá Phương Nam là điểm du lịch tiêu biểu của Đồng bằng sông Cửu Long. Đến nay, tỉnh Đồng Tháp đã có 5 khu, điểm du lịch được Hiệp Hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long công nhận là khu, điểm du lịch tiêu biểu là: Vườn Quốc gia Tràm Chim, Khu Du lịch sinh thái Gáo Giồng, Khu Di tích Xẻo Quít, Khu Di tích Nguyễn Sinh Sắc và Khu Du lịch Văn hóa Phương Nam.

7. Đền thờ ông, bà Đỗ Công Tường được công nhận di tích lịch sử quốc gia

Quyết định công nhận được trao nhân Lễ giỗ lần thứ 199 ông, bà Đỗ Công Tường. Trải qua quá trình trùng tu tôn tạo, hiện nay, Di tích là một tổ hợp kiến trúc gồm: Đền thờ, nhà khách, ngôi mộ đồ sộ, được xây dựng bằng vật liệu kiên cố, trang trí, chạm trổ tinh xảo theo phong cách kiến trúc thời Nguyễn, mang tính đặc trưng của đình, đền Nam bộ nên di tích được xếp hạng Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật. Đây là di tích mang nhiều giá trị tinh thần đối với người dân thành phố Cao Lãnh nói riêng và tỉnh Đồng Tháp nói chung.

8. Chính thức thông xe cặp cửa khẩu Dinh Bà - Bontia Chắc Rây, cầu Vàm Cống và khởi công nâng cấp Quốc lộ 30 đã đem đến nhiều kỳ vọng cho người dân đất Sen hồng

Ngày 26/5/2019, Hiệp định Vận tải đường bộ giữa Việt Nam với Campuchia chính thức có hiệu lực và tỉnh Đồng Tháp tổ chức Lễ thông xe qua lại cửa khẩu Dinh Bà thuộc huyện Tân Hồng với cửa khẩu Bontia Chắc Rây (tỉnh Prâyveng, Campuchia).

Sau 05 năm khởi công xây dựng, cầu Vàm Cống chính thức được khánh thành và đưa vào sử dụng. Cầu có quy mô 06 làn xe (04 làn ô tô và 02 làn xe gắn máy) lưu thông với vận tốc thiết kế 80 km/giờ. Cầu có chiều dài 2,97km, là cầu dây văng bắc qua sông Hậu, nối liền quận Thốt Nốt, (thành phố Cần Thơ) và huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp). Tổng mức đầu tư dự án là 271 triệu USD bằng nguồn vốn ODA của Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Dự án Nâng cấp Quốc lộ 30 đoạn Cao Lãnh – Hồng Ngự giai đoạn 2 cũng được khởi công trong năm 2019 với tổng mức đầu tư 800 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm 2020. Dự án được chia thành 02 giai đoạn: giai đoạn 1 đầu tư 02 đoạn tránh thành phố Cao Lãnh và thị xã Hồng Ngự dài 20km, giai đoạn 2 đầu tư đoạn nối giữa 2 đoạn tránh dài 39km.

9. Đồng Tháp tiếp tục đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về chỉ tiêu đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng

Trong năm 2019, Đồng Tháp có trên 2.000 lao động xuất cảnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, vượt gấp đôi so với kế hoạch. Đây là năm thứ 5 liên tiếp, Đồng Tháp thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.

10. Mô hình Hội quán - Cơ sở thực tiễn bổ sung lý luận về phát triển kinh tế tập thể

Đến thời điểm hiện tại, Đồng Tháp có 88 Hội quán được thành lập. Hội quán ra đời dựa trên sự tự nguyện tham gia của người dân, với nguyên tắc “3 không” (không bộ máy, không ngân sách, không cơ sở vật chất), “3 tự” (tự nguyện, tự quản, tự quyết), “3 cùng” (cùng nghĩ, cùng làm, cùng hưởng).

Mô hình Hội quán của Đồng Tháp được lãnh đạo Trung ương đánh giá cao và giao Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổng kết, làm cơ sở thực tiễn cho việc nghiên cứu lý luận, hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể.

Nguồn Cổng TTĐT ĐT

 

 

Tin cùng danh mục

Báo cáo tiến độ sản xuất nông nghiệp đến ngày 25/12/2019

Báo cáo tiến độ sản xuất nông nghiệp đến ngày 25/12/2019

05:43 30/04/2025

Đối xử nhân đạo với vật nuôi - Luật Chăn nuôi 2018

Đối xử nhân đạo với vật nuôi - Luật Chăn nuôi 2018

05:43 30/04/2025

Công bố, xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh Đồng Tháp năm 2019

Công bố, xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh Đồng Tháp năm 2019

05:43 30/04/2025

Tình hình sản xuất thuỷ sản tính đến ngày 15/12/2019

Tình hình sản xuất thuỷ sản tính đến ngày 15/12/2019

05:43 30/04/2025

Hội nghị tổng kết hoạt động các Hợp tác xã và mô hình “Hội quán” trên địa bàn thành phố Cao Lãnh năm 2019

Hội nghị tổng kết hoạt động các Hợp tác xã và mô hình “Hội quán” trên địa bàn thành phố Cao Lãnh năm 2019

05:43 30/04/2025