Đòn bẩy đưa ĐBSCL phát triển bền vững - Bài 3: Chuyển đổi sản xuất - yêu cầu căn cơ
Ngày đăng: 19/07/2019

Theo các chuyên gia, thách thức lớn nhất hiện nay trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp tiểu vùng là sự gắn kết giữa sản xuất và thị trường. Để thu hút doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có tiềm lực lớn, cần có thêm chính sách ưu đãi đầu tư, phát triển vùng nguyên liệu tương đối lớn, đảm bảo bền vững.

 Description: https://photo-3-baomoi.zadn.vn/w700_r1/2019_07_19_17_31515905/4160599435d4dc8a85c5.jpg

Mô hình sản xuất tôm lúa thích ứng với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL. Ảnh: PHAN THANH

Giai đoạn 2016-2018, nông nghiệp ĐBSCL đạt tăng trưởng GDP 3%/năm, cao hơn mức tăng bình quân cả nước (2,67%/năm); đóng góp 34,6% GDP toàn ngành nông nghiệp cả nước và 33,5% GDP chung vùng ĐBSCL. Phát triển nông nghiệp ĐBSCL bền vững, an toàn trên cơ sở sản xuất nông nghiệp hàng hóa hiện đại, chất lượng cao, kết hợp phát triển du lịch sinh thái, công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của nông sản; quy hoạch, phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại theo hướng chủ động, thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH), đảm bảo an toàn trước thiên tai là yêu cầu căn cơ trong giai đoạn tới.

Sản xuất thông minh

Thời gian qua, những chiếc máy tính bảng được ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, đi vận động tài trợ để tặng cho nông dân đang trở thành phương tiện hữu hiệu kết nối nông dân với ruộng vườn. Gần 80 Hội quán Nông dân là điểm tập hợp để nông dân bàn chuyện làm giàu từ mảnh vườn, thửa ruộng. Những chiếc máy tính bảng trở thành người bạn thân thiết để họ sử dụng làm phương tiện… trồng lúa. Nông dân Đồng Tháp và Trà Vinh không còn xa lạ với việc quản lý, kiểm soát được nguồn nước bằng các hệ thống phao và điểm quan trắc nước thông minh, sử dụng hệ thống bơm tưới điều khiển từ xa qua internet. Hiệu quả đã kiểm chứng từ các cánh đồng canh tác lúa thông minh tại Đồng Tháp và Trà Vinh: giảm trên 30% lượng nước tưới; giảm công chăm sóc, giống, sâu bệnh trên 50%; giảm lượng phân bón, giảm khí nhà kính mỗi thứ trên 40%; giảm tác động do xâm nhập mặn; đồng thời, tăng lợi nhuận gần 20% so canh tác lúa thông thường.

Trong bối cảnh hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra gay gắt, việc trồng lúa thông minh và tưới nước tiết kiệm được xem là biện pháp thích ứng với BĐKH. Nhận thấy những nét hay của mô hình trồng lúa thông minh, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang đã cùng nhiều nông dân trực tiếp đến tỉnh Trà Vinh tham quan học hỏi. Ngay sau đó, tỉnh đã triển khai cho nông dân ở huyện Vị Thủy và Châu Thành A thực nghiệm mô hình trồng lúa thông minh trong vụ hè thu 2019. Ông Phạm Minh Quang, ở xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy (tỉnh Hậu Giang), là một trong 10 hộ dân đầu tiên trồng lúa thông minh, phấn khởi cho hay: “Gia đình tôi vừa thu hoạch 2ha lúa hè thu, năng suất 5,5 tấn/ha. Lúa được bao tiêu với giá 4.750 đồng/kg, cao hơn lúa thường 300 - 500 đồng/kg. Trồng lúa thông minh thấy “khỏe” hơn trồng lúa truyền thống lâu nay”.

Là người đã dẫn nông dân đi tham quan mô hình ở tỉnh Trà Vinh, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, nhận định: “70ha trồng lúa thông minh vừa thu hoạch tại tỉnh cho năng suất cao hơn ruộng đối chứng kế bên. Nông dân tiết kiệm được phân bón, giảm ngày công lao động… Đây là những tín hiệu khả quan và chúng tôi đã giao ngành nông nghiệp tỉnh đánh giá toàn diện những ưu, khuyết điểm của mô hình này, cũng như đề xuất giải pháp để thực hiện mô hình hiệu quả trong thời gian tới”. Hậu Giang vẫn còn nhiều việc làm để hoàn thiện mô hình trồng lúa thông minh như: giúp nông dân san phẳng mặt ruộng bằng laser để thuận lợi điều tiết mực nước thông qua mạng internet. Ông Phan Quốc Thứ, Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp Hậu Giang, cho biết: “Trung tâm đang khẩn trương đánh giá hiệu quả mô hình theo chỉ đạo của tỉnh. Chúng tôi đã tìm hiểu và sẽ đề xuất với tỉnh áp dụng quy trình ủ rơm tiên tiến để làm thức ăn cho gia súc. Đây là cách tận dụng phụ phẩm từ cây lúa để tăng thu nhập cho nông dân trong chuỗi sản xuất từ mô hình trồng lúa thông minh”.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn (Viện Nghiên cứu BĐKH - Đại học Cần Thơ) cho rằng đối với sản xuất nông nghiệp, cần phải điều chỉnh lịch thời vụ kịp thời, đẩy mạnh nghiên cứu tìm ra các giống cây con có thể chịu khô hạn, nhiễm mặn tốt hơn. Trong canh tác nông nghiệp, biện pháp tưới nước tiết kiệm sẽ là giải pháp giúp nông dân giảm chi phí sản xuất và phù hợp với sự suy kiệt nguồn nước. Những nỗ lực của nông dân và chính quyền tỉnh Đồng Tháp, Trà Vinh, Hậu Giang được xem là những “viên gạch” đầu tiên thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về “Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH”, tạo bước chuyển nền tảng cho nông dân trồng lúa chủ động thích nghi với bối cảnh BĐKH ngày càng gay gắt.

Kinh tế nông nghiệp

Nghị quyết 120/NQ-CP đã xác định rõ quan điểm phát triển nông nghiệp vùng trong thời gian tới là chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy (chủ yếu là lúa) sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu thị trường, chuyển từ số lượng sang chất lượng. Bên cạnh đó, quan điểm chuyển từ “sống chung với lũ” sang “chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn” cần được thể hiện xuyên suốt trong quy hoạch vùng đồng bằng phát triển bền vững.

Theo ông Chu Văn Chuông, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT), thời gian tới, ĐBSCL sẽ được tổ chức canh tác theo phân vùng sinh thái nông nghiệp. Cụ thể, vùng thượng nguồn giáp Campuchia là vùng ngập, mùa lũ sẽ trữ nước chứ không dùng đê để be giữ nước; người dân chuyển canh tác từ lúa 3 vụ sang 2 vụ. Mặt khác, chuyển đổi sang phương thức sản xuất một vụ trồng lúa, một vụ nuôi trồng thủy sản, trồng sen hoặc các cây trồng khác. Vùng trung tâm đồng bằng không còn ưu tiên cây lúa mà chuyển sang cây ăn trái. Trong khi đó, vùng ven biển sẽ không ngăn mặn mà chuyển đổi sản xuất theo hướng coi nước mặn như nguồn tài nguyên, với các mô hình: lúa - màu, lúa - tôm, trồng cỏ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản nước mặn… Khu vực có lợi thế về rừng ngập mặn như bán đảo Cà Mau được quy hoạch theo mô hình nông - lâm kết hợp: tràm - thủy sản, tràm - lúa - thủy sản… như mô hình nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng ngập mặn đang cho năng suất cao.

Ông Lê Minh Hoan nhận xét, tư duy sản xuất khác với tư duy kinh tế. Tư duy sản xuất là lấy sản lượng làm mục tiêu phấn đấu. Bà con nghĩ sản xuất càng nhiều thì lợi nhuận càng nhiều, nhưng tư duy kinh tế là bài toán trừ, giữa chi phí bỏ ra và doanh thu mang lại, nhiều khi cùng giá đó nhưng giá thành giảm thì lời nhiều hơn. Do vậy, sản xuất sao cho lợi nhuận cao nhất, dựa trên giảm lượng và giảm giá. Tư duy kinh tế là bảo quản, chế biến, tạo ra giá trị cao từ các loại nông sản.

Theo các chuyên gia, thách thức lớn nhất hiện nay trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp tiểu vùng là sự gắn kết giữa sản xuất và thị trường. Để thu hút doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có tiềm lực lớn, cần có thêm chính sách ưu đãi đầu tư, phát triển vùng nguyên liệu tương đối lớn, đảm bảo bền vững. Bên cạnh đó, cần có chính sách bảo hiểm để khi chuyển đổi phương thức sản xuất sẽ không bị ngắt đoạn với thị trường, bởi rủi ro trong sản xuất nông nghiệp là nguyên nhân lớn nhất cản trở việc mở rộng các mô hình sản xuất theo hướng đi mới, cùng với khó khăn về thiếu nguồn lực đầu tư ban đầu. Thực tế hiện nay cho thấy, chính các địa phương trong vùng vẫn đang có sự cạnh tranh do trùng lắp về sản phẩm đầu ra, chủ yếu bán sản phẩm thô, khả năng cạnh tranh kém và chưa có thương hiệu mang “tên tuổi vùng miền”.

Việc phân vùng sản xuất sẽ tạo cơ hội để gắn kết và hình thành hệ sinh thái doanh nghiệp bền vững, tạo nền tảng liên kết vùng do xuất phát từ chính đòi hỏi của người dân và doanh nghiệp. Vấn đề này đã được đưa vào Nghị quyết 120 nhưng cần phải bàn thảo để đề ra hành động cụ thể hơn nữa.

Tại buổi làm việc mới đây với các tỉnh, thành ĐBSCL, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã rất trăn trở về điều này. “Không nơi nào có đến 13 tỉnh, thành, dân số gần 20 triệu mà liên kết tạo ra sự phát triển tốt như thế, nhưng chúng ta lại chưa làm tốt. Đừng để mạnh ai nấy làm. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp dựa trên công nghệ và hiệu quả cao, gắn chế biến với thị trường tiêu thụ. Xây dựng các chuỗi sản xuất, thương hiệu sản phẩm…”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Theo baomoi.com

 

Tin cùng danh mục

Chuyện về ông 'Hùng cá'

Công ty TNHH Hùng Cá là một trong các doanh nghiệp (DN) thủy sản có nhiều đóng góp nổi bật trong sự phát triển kinh tế chung của tỉnh Đồng Tháp. Xuất ...

03:31 23/11/2024

40,65 tỷ đồng hỗ trợ người dân bị thiệt hại chăn nuôi do bệnh dịch tả heo Châu Phi

40,65 tỷ đồng hỗ trợ người dân bị thiệt hại chăn nuôi do bệnh dịch tả heo Châu Phi

03:31 23/11/2024

Nông nghiệp huyện Hồng Ngự chuyển dịch mạnh mẽ, du lịch tăng trưởng khá

Đầu năm đến nay, với việc tập trung thực hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp mới, tăng hàm lượng ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất nông nghiệp ...

03:31 23/11/2024

Trồng lan trên đất lúa thu hàng tỷ đồng/ha

Theo Cục Trồng trọt, trong vụ Hè Thu 2019 ở TP.HCM, doanh thu từ lúa thấp hơn rất nhiều so với khi chuyển đổi sang nhiều loại cây trồng khác trên nền ...

03:31 23/11/2024

Chuyển biến tích cực từ đề án giống

Đề án phát triển giống cây nông lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ sau 10 năm đã mang lại hiệu quả rất ...

03:31 23/11/2024