Đồng bằng sông Cửu Long hướng đến phát triển kinh tế xanh bền vững và hiệu quả
Ngày đăng: 13/08/2024

Là 1 trong 3 đồng bằng lớn trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu, song đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn có những cơ hội phát triển mới từ các nghị quyết, chính sách quy hoạch vùng ĐBSCL phát triển theo hướng “thuận thiên”, thích ứng với biến đổi khí hậu”. Để phát triển bền vững, vấn đề đặt ra đối với các địa phương trong vùng hiện nay là phải cải thiện môi trường kinh doanh đồng thời gắn với bảo vệ môi trường.


Để thúc đẩy “tăng trưởng xanh”, tỉnh Đồng Tháp đang tập trung chuyển đổi sản xuất đối với ngành hàng sen theo mô hình Kinh tế tuần hoàn

Nhiều doanh nghiệp đang chịu tác động tiêu cực của thiên tai, biến đổi khí hậu

Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), là 1 trong 3 đồng bằng lớn trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu (BĐKH), ĐBSCL hiện đang đứng trước những thách thức to lớn về kinh tế - xã hội - môi trường.

Riêng về môi trường, BĐKH và biến động nước xuyên biên giới từ phía thượng nguồn sông Mekong (làm suy giảm nguồn nước và phù sa) cũng như những vấn đề phát triển nội tại ở chính đồng bằng như: khai thác tài nguyên thiên nhiên, lạm dụng các loại nông dược trong sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, ô nhiễm môi trường (đất, nước, không khí), các hoạt động khai thác cát và nước ngầm quá mức... đã tác động rất lớn đến hệ sinh thái, đời sống và sinh kế của hàng triệu người dân ĐBSCL.

Với các doanh nghiệp (DN), qua khảo sát của VCCI triển khai trong năm 2023 cho thấy, có tới 72,4% DN ĐBSCL đang chịu tác động tiêu cực của thiên tai, biến đổi khí hậu, đây là con số cao nhất trong các khu vực trên cả nước. Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, BĐKH gây tác động bất lợi tới các hoạt động sản xuất kinh doanh của DN bao gồm: gián đoạn sản xuất kinh doanh, giảm năng suất lao động và doanh thu, gián đoạn kênh vận chuyển, tăng chi phí sản xuất, đình trệ mạng lưới phân phối, giảm chất lượng sản phẩm, thiệt hại cơ sở vật chất, nhân lực... Do vậy, trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức về môi trường và BĐKH, việc phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường trở thành yêu cầu cấp thiết.

“Việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh không chỉ là một yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà còn là nền tảng để xây dựng một nền kinh tế bền vững và thịnh vượng. Một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi sẽ tạo điều kiện cho các DN phát triển, đổi mới và cạnh tranh lành mạnh. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho các DN mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tạo ra nhiều cơ hội việc làm và thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng”, ông Phòng chia sẻ.

Hướng tới nền kinh tế xanh

Nghị quyết số 120/NQ-CP năm 2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu và Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 - là bản quy hoạch vùng đầu tiên được tổ chức lập theo cách tiếp cận tích hợp đa ngành, với quan điểm phát triển “thuận thiên”, “chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu”, được xem là cơ hội mới để các địa phương xây dựng một nền kinh tế bền vững.

Đối với Đồng Tháp - tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thực phẩm và nuôi trồng thủy sản của cả nước, quá trình sản xuất và chế biến đã nảy sinh những yếu tố có thể gây ảnh hưởng không tốt đến đời sống và môi trường; nguồn tài nguyên ngày càng bị khai thác quá mức, hệ sinh thái môi trường bị tổn hại và hàng loạt các vấn đề khác đang cần được quan tâm, khắc phục. Với chủ trương thực hiện “kinh tế tuần hoàn” để thúc đẩy “tăng trưởng xanh”, tỉnh đang tập trung chuyển đổi sản xuất đối với các ngành hàng chủ lực của tỉnh như: lúa gạo, cá tra, sen, xoài và hoa kiểng nhằm kéo dài chuỗi sản xuất, gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, tạo sinh kế lâu dài cho người dân nông thôn; tiếp tục nâng cao chất lượng quản trị môi trường, thúc đẩy thực hành xanh, cải thiện Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển an toàn, bền vững trong sản xuất và tiêu dùng trước sự biến đổi thất thường của khí hậu toàn cầu và thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường do sản xuất, chế biến và tiêu dùng ngày càng nghiêm trọng.

Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 và việc cụ thể hóa các nội dung cam kết tại Diễn đàn Mekong Starup lần I - năm 2022 tại tỉnh Đồng Tháp nhằm thúc đẩy các mục tiêu “Nông nghiệp hiện đại - tuần hoàn - phát thải thấp” khu vực ĐBSCL, là một trong những cơ sở giúp cho vùng ĐBSCL đề xuất các bên liên quan để tìm ra giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hướng tới nền kinh tế xanh và phát triển bền vững trong thời gian tới.

Cũng như Đồng Tháp, nhiều tỉnh trong vùng ĐBSCL đã đẩy mạnh triển khai nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho DN và thân thiện với môi trường tại khu vực như: cải cách thủ tục hành chính, cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh, tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng; cân bằng giữa phát triển kinh tế và môi trường bền vững, công bằng xã hội và phát triển nền kinh tế xanh và trung hòa cac-bon... Từ đó, dần tháo gỡ những điểm nghẽn trong hoạt động đầu tư, kinh doanh của DN, nhà đầu tư.

baodongthap.vn

Tin cùng danh mục

Hội nghị Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và Hợp tác xã vùng ĐBSCL tham gia Đề án 1 triệu ha lúa

Hội nghị Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và Hợp tác xã vùng ĐBSCL tham gia Đề án 1 triệu ha lúa

04:08 30/04/2025

Khánh thành Cửa hàng trưng bày và kinh doanh sản phẩm hữu cơ PGS và đặc sản Đồng Tháp

Khánh thành Cửa hàng trưng bày và kinh doanh sản phẩm hữu cơ PGS và đặc sản Đồng Tháp

04:08 30/04/2025

Sẵn sàng cung cấp sản phẩm hữu cơ PGS và đặc sản Đồng Tháp

Sẵn sàng cung cấp sản phẩm hữu cơ PGS và đặc sản Đồng Tháp

04:08 30/04/2025

Tập huấn Kỹ thuật xây dựng mô hình Thâm canh Xoài theo VietGAP

Tập huấn Kỹ thuật xây dựng mô hình Thâm canh Xoài theo VietGAP

04:08 30/04/2025

Thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp

04:08 30/04/2025