Khôi phục thế mạnh cây có múi
Ngày đăng: 29/07/2019

Dịch bệnh đang gây thiệt hại nặng cho các chủ vườn cây ăn quả ở ĐBSCL. Cây có múi (CCM) từ lâu đã trở thành "miếng cơm manh áo" của đa số nông dân ĐBSCL. Song thời gian qua, một diện tích lớn loại cây trồng chủ lực này đang chết dần chết mòn.

Dư đạm nên... chết tươi

ĐBSCL có trên 300.000 ha trồng cây ăn quả, chiếm gần 40% diện tích trồng cây ăn quả của cả nước. Các tỉnh có diện tích trồng cây ăn quả lớn trong khu vực như Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, Đồng Tháp… Mỗi năm, vùng này cung cấp khoảng 4 triệu tấn quả cho thị trường trong nước lẫn xuất khẩu.

Kết quả nghiên cứu của Viện Cây ăn quả Miền Nam và Trường ĐH Cần Thơ cho thấy nguyên nhân trực tiếp gây ra hiện tượng vàng lá thối rễ, chết xanh trên CCM là do nhện rễ và tuyến trùng tấn công gây hại tạo vết thương, từ đó tạo điều kiện cho nấm Fusarium solani, Phytopthora spp phát triển. Nguyên nhân gián tiếp là do các điều kiện canh tác, đất, thời tiết... làm cho hệ miễn dịch của bộ rễ suy yếu, tổn thương hoặc hư thối tạo tiền đề cho nhện rễ, tuyến trùng và nấm bệnh trong đất phát sinh gây hại. Ngoài ra, việc lạm dụng phân bón quá mức cũng được xem là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến cây trồng.

Description: https://photo-1-baomoi.zadn.vn/w700_r1/2019_07_29_15_31632186/5ed671bd1bfdf2a3abec.jpg

Để cứu cây có múi, nông dân cần sử dụng phân bón hợp lý

Theo ông Huỳnh Văn Tồn, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, phần lớn nông dân trồng CCM nhầm lẫn giữa việc sử dụng các loại phân bón. Thực tế, trong các sản phẩm phân bón hữu cơ công nghiệp có chứa hàm lượng hóa học cho cây nhưng nông dân không biết nên sau khi bón phân hữu cơ công nghiệp thường bổ sung thêm phân hóa học, tương đương 50 - 100 kg/công/vụ. Hậu quả là đất quá thừa đạm làm phần trên của cây xanh tốt nhưng tế bào rễ non yếu, sức chống chịu kém nên dễ bị sâu bệnh tấn công. Điển hình như hộ ông Trịnh Kỳ Nam (ngụ ấp Tân Mỹ, xã Tân Phước, huyện Lai Vung) thường sử dụng khoảng 80 kg phân hóa học/1.000 m2/vụ. Trong đợt bùng phát dịch bệnh vàng lá thối rễ, gia đình ông Nam hao hụt gần như hoàn toàn 700 gốc quýt. Kiểm tra phổ diện đất thì thấy đất bị nén chặt, không còn độ tơi xốp và có chứa tuyến trùng ảnh hưởng lớn đến bộ rễ. "Huyện đang vận động, hướng dẫn nông dân quy hoạch lại vườn trồng CCM chủ lực, trồng tập trung theo từng loại phù hợp với thổ nhưỡng đã được xác định và sản xuất theo các quy trình an toàn (VietGAP, GlobalGAP). Trong định hướng sẽ phát triển sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ nông sản cho nhà vườn. Đây cũng là tiền đề để nhà vườn học tập kinh nghiệm tổ chức lại sản xuất bền vững" - ông Tồn thông tin.

Tại tỉnh Vĩnh Long và Hậu Giang, vài năm trước, cam sành được giá nên nông dân ồ ạt chuyển diện tích trồng lúa sang trồng cam sành. Do chạy theo lợi nhuận, một số hộ trồng với mật độ dày trên 1.000 cây/1.000 m2 (ngành nông nghiệp khuyến cáo chỉ trồng từ 200-300 cây/1.000 m2), sinh ra bệnh thối rễ, vàng lá. Ông Lê Thành Tín (ngụ xã Thuận Thới, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) kể năm 2013 ông lên liếp, chuyển 1 ha lúa sang trồng cam sành. "Tôi trồng khoảng 800-900 cây/công (1.000 m2), kết hợp với dùng thuốc kích thích, bón phân nên 2 năm sau đã có thể thu hoạch nhưng mới được 3 vụ, cây đã chết dần" - ông Tín tiếc nuối.

GS-TS Trần Văn Hâu, Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng Trường ĐH Cần Thơ, cho rằng bệnh vàng lá thối rễ bùng phát mạnh là do nông dân lạm dụng phân đạm nhiều năm nhưng lại không bón phân hữu cơ cho đất. Điều này làm rễ non yếu, giảm sức chống chịu trong điều kiện độ pH đất thấp. Mặt khác, nông dân lạm dụng phân hóa học có chứa các chất điều hòa kích thích sinh trưởng ở liều cao làm bộ rễ nhanh lão hóa và phá vỡ cấu trúc đất, khiến các vi sinh vật có ích bị tiêu diệt. GS-TS Nguyễn Văn Hâu đề nghị cần quan tâm vấn đề cây giống bởi số cơ sở sản xuất giống bảo đảm chất lượng hiện còn rất ít.

Thí điểm "giải cứu"

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, đánh giá dịch bệnh vàng lá thối rễ trên CCM bùng phát làm ảnh hưởng lớn đến kinh tế của nông dân. Ngành nông nghiệp cùng với các ngành liên quan cần xây dựng giải pháp, quy trình hợp lý để ngăn chặn dịch bệnh trên CCM nhằm sớm khôi phục loại cây thế mạnh của địa phương. Thời gian qua, các ngành hữu quan tỉnh Đồng Tháp đã triển khai nhiều giải pháp phòng chống hiện tượng vàng lá thối rễ, chết xanh trên CCM. Theo đó, Sở NN-PTNT giao Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh phối hợp với Trung tâm Khuyến nông và UBND huyện Lai Vung chọn 5 vườn đang bị bệnh để xây dựng mô hình ứng dụng quy trình khắc phục hiện tượng vàng lá thối rễ, chết xanh trên CCM, xử lý cây đã chết, quản lý và chăm sóc cây chưa nhiễm bệnh (diện tích 1.000 - 2.000 m2/điểm).

Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp phối hợp với UBND huyện Lai Vung triển khai tập huấn về thông tin, tuyên truyền các giải pháp quản lý bệnh vàng lá thối rễ, chết xanh trên CCM tại các HTX, hội làm vườn, hội quán; trao đổi chia sẻ kinh nghiệm giữa các nhà vườn. Các chuyên gia sẽ hướng dẫn nông dân cách khắc phục theo quy trình và so sánh với tập quán sản xuất cũ giữa các vườn trồng CCM.

Vườn nhà ông Nguyễn Văn Đầy (ngụ ấp Long Hưng, xã Long Hậu, huyện Lai Vung) là 1 trong 5 vườn được chọn thực hiện thí điểm khắc phục hiện tượng vàng lá thối rễ, chết xanh của ngành chuyên môn. Tại đây, ngành chuyên môn đã chọn 1.000 m2 trồng quýt hồng có tỉ lệ hao hụt 30% - 40% để thí điểm sử dụng bón phân ủ hoai, phủ rơm, tưới chế phẩm sinh học tricodecma chống thối rễ và quét vôi, kết hợp trồng cỏ trong vườn để giữ độ ẩm. Đến nay, các cây nhiễm bệnh bắt đầu ra lá non trở lại. Còn theo ông Trần Hữu Hớn (ngụ ấp Long Hưng, xã Long Hậu, huyện Lai Vung), với mô hình này, giai đoạn đầu sẽ bón phân hữu cơ hoai mục kết hợp sử dụng phân vô cơ với liều lượng hợp lý theo giai đoạn và tuổi cây, không bón thừa phân đạm, hạn chế phân hữu cơ khoáng có hàm lượng đạm cao. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra độ pH đất định kỳ hằng tháng, xử lý vôi sau khi vệ sinh vườn và đầu mùa mưa nhằm giúp diệt mầm bệnh và cải thiện độ pH của đất, giúp cây sinh trưởng tốt.

Theo baomoi.com