Nghị quyết về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp
Ngày đăng: 19/07/2019

Đến năm 2030, nông nghiệp Việt Nam đứng trong số 15 nước phát triển nhất thế giới

Nghị quyết nêu rõ: Thời gian qua, tốc độ tăng trưởng khu vực nông nghiệp đạt khá, năng suất, chất lượng và hiệu quả không ngừng được nâng cao. Hiện nay, Việt Nam đã đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và trở thành nước xuất khẩu nông sản đứng thứ hai Đông Nam Á, thứ 15 trên thế giới với 10 nhóm mặt hàng nông, lâm, thủy sản có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ đô la Mỹ, trong đó có 6 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ đô la Mỹ.

Những thành tựu quan trọng nói trên có được là việc ban hành các chính sách đúng đắn, hiệu quả của Đảng và Nhà nước; quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ, các thiết chế thuộc khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn; việc áp dụng các loại hình tổ chức sản xuất trong nông nghiệp như: Doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, mô hình kinh tế hộ...

Tuy nhiên, sự phát triển của các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp còn rất khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế phát triển. Số doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp hiện chỉ chiếm 8% tổng số doanh nghiệp trên cả nước. Hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp chủ yếu hiện nay vẫn ở dạng hộ sản xuất với hơn 9,2 triệu hộ quy mô rất nhỏ. Năng suất lao động ngành nông nghiệp còn hạn chế, trình độ khoa học và công nghệ của các doanh nghiệp còn thấp...

Nhấn mạnh nông nghiệp Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng và cơ hội cần khai thác, đặc biệt là quỹ đất, nguồn nhân lực và tận dụng cơ hội trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, Chính phủ đề nghị, trong thời gian tới, người dân và cộng đồng doanh nghiệp phải cùng nhau chung sức để đưa Việt Nam vươn lên vị trí hàng đầu thế giới về hàng nông sản.

Nghị quyết 53/NQ-CP đã đưa ra tầm nhìn đến năm 2030 là phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh; cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân; xây dựng nông thôn văn minh hiện đại. Đến năm 2030, nông nghiệp Việt Nam đứng trong số 15 nước phát triển nhất thế giới, trong đó ngành chế biến nông sản đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới. Việt Nam là một trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới, trung tâm logistics thương mại nông sản toàn cầu. Doanh nghiệp nông nghiệp được xác định là "trụ cột" trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam.

Mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 3,0%/năm. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 6 - 8%. Đến năm 2030 có 80.000 - 100.000 doanh nghiệp có hoạt động đầu tư kinh doanh hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có khoảng 3.000 - 4.000 doanh nghiệp có quy mô lớn và 6.000 - 8.000 doanh nghiệp quy mô vừa.

Các giải pháp chủ yếu

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu.

Theo đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính; cắt giảm mạnh các rào cản về điều kiện kinh doanh trong nông nghiệp; tạo sức hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổng kết các chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp. Bộ Tài chính nghiên cứu, sửa đổi, đơn giản hóa các thủ tục hành chính về thuế, khẩn trương rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính về thuế không phù hợp.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện Quyết định số 1203/QĐ-TTg ngày 18/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch thực hiện Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư và nông nghiệp, nông thôn...

Bộ Công Thương đẩy mạnh triển khai hiệu quả Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo. Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn các nội dung được giao tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP trong quý IV/2019.

Chính phủ yêu cầu các bộ rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách quy định, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển nông nghiệp, đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trên cơ sở lợi thế của địa phương để đưa ra các chính sách khuyến khích doanh nghiệp khai thác có hiệu quả các điều kiện tự nhiên như đất đai, thổ nhưỡng, nguồn nước và tài nguyên, đưa địa phương nhanh chóng trở thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao.

Ngoài ra, các bộ, ngành địa phương đẩy mạnh phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bảo đảm phù hợp với nhu cầu thị trường, kế hoạch và chiến lược phát triển ngành nông nghiệp. Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì rà soát, nghiên cứu xây dựng chiến lược, kế hoạch, đề án phát triển ngành mang tính bền vững; ưu tiên phát triển những ngành, sản phẩm chủ lực và nghiên cứu xây dựng đề án phát triển 3 ngành chế biến để phấn đấu đứng trong số 5 nước hàng đầu thế giới về: rau củ quả, thủy hải sản, gỗ và sản phẩm từ gỗ.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng đề án, kế hoạch, chiến lược phát triển logistics gắn với vùng sản xuất, kinh doanh nông nghiệp nhằm giúp doanh nghiệp giảm chi phí và thời gian vận chuyển, phân phối sản phẩm...

Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đổi mới cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến mở rộng thị trường, từng bước chủ động được thị trường; hoàn thiện chính sách tín dụng cho các dự án nông nghiệp theo hướng hỗ trợ, khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, đề xuất, điều chỉnh chính sách thuế hợp lý nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp, bảo đảm ổn định chính sách vĩ mô; triển khai hiệu quả Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18/4/2018 của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp. 

Ngoài ra, các bộ, ngành xây dựng, hoàn thiện chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ tiên tiến hiện đại, phục vụ sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp; khai thác tối đa các cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0 để phát triển nông nghiệp vượt trội, hiệu quả và bền vững. Bên cạnh đó, các cơ quan hoàn thiện cơ chế hoạt động cho thị trường quyền sử dụng đất, tạo cơ chế đồng bộ để thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp phát triển; khẩn trương nghiên cứu cơ chế thí điểm về tích tụ, tập trung ruộng đất, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp...

Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước theo tinh thần Chính phủ kiến tạo, trao quyền cho thị trường quyết định; nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh nông sản./.

                                                                                                                                                                       Theo TTXVN online

Tin cùng danh mục

Đẩy nhanh xây dựng hình ảnh, thương hiệu cá tra

Cá tra là một trong 5 ngành hàng chủ lực trong Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp.

08:13 18/04/2024

Quy định mới về quản lý, sử dụng đất trồng lúa

Chính phủ ban hành Nghị định số 62/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng ...

08:13 18/04/2024

Hai phương án sản xuất lúa cho Đồng bằng sông Cửu Long

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị sơ kết sản xuất trồng trọt vụ Hè Thu, triển khai sản xuất vụ Thu Đông, vụ mùa 2019 tại Đông ...

08:13 18/04/2024

Tăng cường công tác kiểm dịch thực vật đối với quả tươi xuất khẩu

Cục Bảo vệ thực vật đã ban hành công văn số 1664/BVTV-KD ngày 02/07/2019 về việc tăng cường công tác kiểm dịch thực vật đối với quả tươi xuất khẩu.

08:13 18/04/2024