Chuyển hướng trong mùa lũ - Bài 1: Đồng bằng ngóng lũ về
Ngày đăng: 04/09/2019

Thế nhưng, trong 10 năm trở lại đây, diễn biến thời tiết bất thường, mùa lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long không còn như trước. Năm nay, nhiều cánh đồng nứt nẻ vì thiếu nước, các dòng sông, kênh rạch cạn trơ đáy. Cuộc sống mưu sinh trong mùa lũ năm nay của người dân Đồng bằng sông Cửu Long đang phải chuyển hướng.

Chú thích ảnh

Anh Nguyễn Văn Định, Giám đốc Hợp tác xã tôm Bình Thành (Đồng Tháp) kiểm tra hoạt động của quạt sục khí ao tôm khi không có lũ. Bình quân, mỗi đêm quạt sục khí ao tôm tiêu thụ khoảng 30 kwH/ao. Ảnh: Hồng Nhung/TTXVN

Bài 1: Đồng bằng ngóng lũ về

Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn Đồng Tháp, thời điểm giữa tháng 8/2019, mực nước tại các trạm quan trắc thấp hơn cùng kì năm 2018 từ 0,5 m- 2 m. Mực nước này gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của người dân trong vùng lũ. 

Người sản xuất chờ nước

Chưa có năm nào như năm nay, những người dân sống trong vùng lũ Đồng bằng sông Cửu Long lại mong ngóng con nước lớn để có thể mưu sinh, khai thác, đánh bắt, nuôi thủy sản trong mùa lũ để tận dụng thời gian nhàn rỗi khi không sản xuất lúa.

Dọc theo quốc lộ 30 đến xã Bình Thạnh, thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, vùng đầu nguồn sông Tiền, phóng viên gặp ông Võ Văn Chiến, một lão nông ngụ tại ấp Bình Thành B, nhiều năm sống chung với lũ, đang xếp lại đống cừ tràm và lưới chuẩn bị nuôi cá, sẵn sàng đón lũ 2019. Thế nhưng, ông Chiến có vẻ không vui khi nói về mùa lũ năm nay.

Theo ông Chiến, cùng thời điểm này năm ngoái, mực nước vào đồng đã xấp xỉ 2 m. Nhưng năm nay cả cánh đồng khô hạn, nước còn nằm dưới đáy kênh. Đây là mực nước thấp nhất kể từ năm 1975 đến nay. Ngày xưa người dân vùng này sợ lũ thì lũ về hàng năm, còn ngày nay, bà con xác định sống chung với lũ thì lũ lại không về. Nhiều hộ dân nơi đây đã chuẩn bị sẵn dụng cụ sản xuất trong thời điểm lũ về, lưới đã có rồi, cừ tràm đã sẵn, nhưng nước lại không có.

Qua tìm hiểu, phóng viên được biết, ông Chiến là một trong những hộ tham gia mô hình thuộc dự án WB9 (Dự án nâng cao khả năng thoát lũ và phát triển sinh kế bền vững, thích ứng với khí hậu cho vùng đồng Tháp Mười do Ngân hàng Thế giới tài trợ) của tỉnh Đồng Tháp. Trong dự án này, ông Chiến được hỗ trợ 50% kinh phí và con giống cá mè hoa, cá trôi để sản xuất trong mùa lũ, với 150 kg cá giống, 700 cây cừ tràm, 500 m lưới để đưa cá lên đồng. Thế nhưng, với mực nước này, cá vẫn còn nằm trong ao, đồng thì thiếu nước, lưới và tràm đành để lại chờ mùa lũ sau.

Còn anh Nguyễn Văn Định, ấp Bình Thành A, xã Bình Thạnh, thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, chuẩn bị 1 triệu con tôm giống để thả nuôi trong mùa lũ 2019, trên diện tích 10 ha mặt nước. Trong đó, có 7 ha ruộng lúa 2 vụ, chờ lũ về mới có thể thả giống nhưng đến nay, mực nước không như mong muốn, anh Định chỉ thả nuôi trong 3 ha ngoài diện tích lúa. Cũng như ông Chiến, ông Định chuẩn bị sẵn sàng cừ tràm, lưới và bơm điện, thậm chí đặt trước nhân công phục vụ cho việc sản xuất 10 ha tôm thẻ và tôm càng xanh trong mùa lũ năm nay.

Theo anh Định, nếu lũ không về hoặc về trễ, anh đã có kế hoạch sẵn sẽ bơm nước, chạy quạt sục khí trong ao nuôi 3 ha và nuôi bằng thức ăn công nghiệp. Tuy nhiên với cách sản xuất này sẽ làm tăng chi phí, hiệu quả không cao, chất lượng thấp, lợi nhuận giảm do chi phí điện cao, sức khỏe con tôm sẽ yếu, lớn chậm. Nếu tận dụng nước lũ, 1 lứa tôm chỉ mất 7 tháng sẽ cho thu hoạch, khi nuôi công nghiệp, mất 10 tháng mới thu hoạch 1 lứa tôm. 

Nghề khai thác chờ cá

Chú thích ảnh

Anh Nguyễn Quốc Việt, ngụ tại ấp Tắc Trúc, xã Nhơn Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang làm lợp bắt cua để bán cho khách hàng Campuchia. Ảnh: Hồng Nhung/TTXVN

Sự thiếu vắng nước lũ không chỉ tác động đến người sản xuất, nuôi thủy sản, mà còn tác động đến các hoạt động khai thác thủy sản trong mùa lũ, dịch vụ đi kèm trong mùa lũ như đan lợp, lưới, lờ để đánh cá, bắt cua…

Theo đại diện Hội nông dân xã Nhơn Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang, xã có khoảng 100 hộ sinh sống bằng nghề khai thác thủy sản, trong đó có hộ khai thác cá linh vào thời điểm lũ về. Hàng năm, cứ vào thời điểm này, các hộ dân trong xã đều sắm sửa dụng cụ thuyền, lưới để khai thác cá linh trong mùa lũ. Thế nhưng, mùa lũ năm nay, những hộ này ngóng cá mà lại không có cá.

Điều này thể hiện rõ nhất khi gặp ông Mai Văn Hai, ấp Tắc Trúc, xã Nhơn Hội, huyện An Phú. Ông Hai chia sẻ, ông khai thác cá linh trong mùa lũ đã 30 năm, nhưng chưa có năm nào khai thác khó khăn như năm nay. Đến thời điểm gần cuối tháng 8 năm ngoái, mỗi ngày chỉ cần quăng lưới 1 buổi có thể kéo được 10 ký cá linh, nhưng năm nay cắm lưới cả ngày cũng chỉ được nửa ký cá linh.

Không riêng nghề khai thác cá linh, mà những nghề phụ trợ khai thác trong mùa lũ cũng ảnh hưởng không nhỏ. Anh Nguyễn Quốc Việt, ngụ tại ấp Tắc Trúc, xã Nhơn Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang cho biết, nếu như những mùa lũ trước, anh Việt có thể kiếm tiền, sinh sống trong mùa lũ bằng nghề đan lợp bắt cua, cung cấp cho những người dân vùng lũ của Đồng bằng sông Cửu Long, thì năm nay, anh Việt chỉ cung cấp dụng cụ cho người Campuchia. Ước tính, khi lũ về, anh Việt có thể bán được 700 cái lợp bắt cua, lợi nhuận kiếm được từ việc làm này khoảng 14 triệu đồng. Nhưng mùa lũ năm nay, anh chỉ mới bán được 300 cái lợp bắt cua, khách hàng chủ yếu là những ngư dân từ Campuchia sang đặt hàng, chưa có khách hàng nào của Việt Nam đặt hàng để sản xuất trong mùa lũ. 

Ông Phạm Thành Tâm, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện An Phú, An Giang chia sẻ, với tình hình lũ chưa về như năm nay, các làng nghề của huyện đầu nguồn như An Phú đang mai một dần, nhiều hộ phải tự linh động dừng sản xuất, không còn sống bám vào mùa lũ nữa. Các hộ khai thác thủy sản mùa lũ cũng gặp nhiều khó khăn khi đặt dớn (lưới bắt cá). Thậm chí chính quyền huyện An Phú cũng có quyết định cấm người dân đặt dớn khi mực nước quá thấp. Điều này sẽ gây thiệt hại kinh tế nặng nề cho người dân.

Như vậy, khi lũ năm 2019 ở mức thấp lịch sử, gây ảnh hưởng nhiều đến sản xuất và sinh kế của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Điều này đặt ra vấn đề cho chính quyền địa phương vùng lũ và người dân nơi đây, làm sao để có sinh kế ổn định trong thời điểm mùa lũ mà lại vắng nước như hiện nay./.

                                                                                                                                                                              Theo TTXVN online

Tin cùng danh mục

Mặn có khả năng xuất hiện sớm 30 ngày ở đồng bằng sông Cửu Long

Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, theo tính toán của Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, mặn mùa khô 2019-2020 ở khu vực ...

03:03 22/11/2024

Khai mạc Triển lãm Thủy sản quốc tế 2019 tại TP. HCM

Sản phẩm thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu tới hơn 170 thị trường, đưa Việt Nam vào vị trí các nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới.

03:03 22/11/2024

Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch được 65% diện tích lúa Hè Thu

Đến nay nông dân Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch được khoảng 1.050.000 ha lúa Hè Thu, chiếm khoảng 65% diện tích gieo cấy, năng suất bình quân đạt ...

03:03 22/11/2024

Bơ mỗi trái nặng hơn một kg hút khách

Bơ mỗi trái nặng hơn một kg hút khách

03:03 22/11/2024

Lúa Hè Thu ở Đồng Tháp rớt giá

Hiện dù diện tích lúa Hè Thu đã thu hoạch gần xong nhưng người dân Đồng Tháp không mấy mặn mà vì mất giá.

03:03 22/11/2024