Đồng Tháp đẩy mạnh Tái cơ cấu ngành hàng Xoài
Ngày đăng: 18/04/2019

Việt Nam nằm trong 11 nước có diện tích và sản lượng xoài lớn nhất thế giới. Kim ngạch xuất khẩu tăng từ 0.46 triệu USD vào năm 2010 tăng lên hơn 35 triệu USD vào năm 2016. Nhờ thế mạnh này mà nhiều địa phương trong đó có Đồng Tháp đã sắp xếp, tổ chức lại sản xuất, cải tiến chuỗi giá trị để ngành hàng này phát triển ổn định và lâu dài.

Description: https://snnptnt.dongthap.gov.vn/wps/wcm/connect/ca8885804992a19ebd82fd7369cd90ba/HINH.jpg?MOD=AJPERES

 

Tỉnh Đồng Tháp có hơn 10.000 ha xoài với các giống chủ lực như: xoài Cát Chu, xoài Cát Hòa Lộc, xoài Tượng da xanh… Mục tiêu của tỉnh Đồng Tháp là sẽ áp dụng đồng bộ nhằm nâng cao giá trị trái xoài. Trong đó, khuyến khích người dân tổ chức lại sản xuất để đáp ứng theo yêu cầu của thị trường. Đồng thời, tạo điều kiện cho các tổ hợp tác, hợp tác xã tiếp cận, liên kết với các doanh nghiệp nhằm tìm ra thị trường ổn định cho mặt hàng này.

Trong những năm qua Đồng Tháp luôn hỗ trợ hết mình cho bà con nông dân trong canh tác, sản xuất xoài. Luôn quan tâm đến các vấn đề truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, có mã vạch để trái xoài dù đi đến đâu người tiêu dùng cũng biết được nguồn gốc, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Hỗ trợ cho các doanh nghiệp và hợp tác xã học hỏi kinh nghiệm của các nước sản xuất và xuất khẩu xoài hàng đầu trên thế giới về cách bảo quản trái xoài tốt nhất, lâu nhất mà chất lượng vẫn không đổi.

Không chỉ HTX xoài Mỹ Xương, hiện nay nhiều Tổ hợp tác, doanh nghiệp đóng trên địa bàn cũng có nhiều hoạt động đầu tư trong sơ chế, bảo quản, mở rộng thị trường, nhằm nâng cao giá trị trái xoài.

Bà Đinh Kim Nhung – Giám đốc công ty TNHH Kim Nhung Đồng Tháp cho biết thêm “ Công ty chúng tôi được tài trợ kho lạnh, những máy móc cần thiết để bảo quản trái xoài. Được các chuyên gia của Úc mời qua tham quan, hướng dẫn cách sơ chế, bảo quản từ đó mới biết được khâu sau thu hoạch rất là quan trọng. Từ đó chúng tôi đã hướng dẫn cho bà con cách thu hái, cách thu hoạch để trái xoài được tươi lâu hơn, để được nhiều ngày hơn”. Ông Nguyễn Văn Đi – Nông dân trồng xoài ở huyện Thanh Bình cho hay “ Chúng tôi trồng xoài luôn được các cơ quan cấp trên ủng hộ, hỗ trợ kỹ thuật, bao trái, bón phân hữu cơ, sản xuất xoài theo hướng VietGAP, từ đó giảm được chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập và kinh tế cho gia đình, đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất và cho người sử dụng trái xoài’.

Đồng Tháp đã và đang thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ cho mặt hàng xoài như: Chuyển giao kỹ thuật, quảng bá thương hiệu, cải tiến quy trình nhằm giúp nhà vườn, doanh nghiệp gắn kết, để vận dụng vào sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn, để phát huy hơn hiệu quả của mặt hàng này. Tuy nhiên, trong sản xuất xoài cũng gặp một số khó khăn như: diện tích nhỏ lẻ, áp dụng kỹ thuật chưa đồng bộ, người dân vẫn còn tư tưởng dấu nghề, thị trường chưa ổn định vẫn còn đang gây trở ngại cho tái cơ cấu ngành hàng xoài trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Với sự quyết tâm của các cấp, các ngành, của nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã và cả những doanh nghiệp thì những khó khăn trên sẽ không còn là trở ngại. Ngành hàng xoài của Đồng Tháp sẽ còn tiến xa hơn không chỉ trong nước mà cả trên thế giới.

Nguyễn Thị Yến - TTKN