Quy định về quản lý nuôi chim yến
Ngày đăng: 13/05/2019

Nhằm quản lý nuôi chim yến (hoạt động dẫn dụ và khai thác tổ của chim yến) tạm thời trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp trong thời gian chờ Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, Ngày 08 tháng 5 năm 2019, Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành văn bản “quản lý nuôi chim yến tạm thời” bao gồm:

 

Description: Kết quả hình ảnh cho nhà nuôi yến

Hình minh họa

Đối với các cơ sở, đơn vị, cá nhân nuôi chim yến:

Thứ nhất: Thiết bị phát âm thanh để dẫn dụ chim yến phải đảm bảo cường độ không vượt quá 70 dBA (đề-xi-ben A), và chỉ được phát trong thời gian từ 6 giờ đến 21 giờ; không được sử dụng thiết bị phát âm thanh dẫn dụ chim yến trong thời gian từ 21 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau.

Thứ hai: Thực hiện vệ sinh thú y và phòng chống dịch bệnh, cụ thể:

Cơ sở nuôi chim yến phải có trang phục bảo hộ như quần áo, giày, ủng, khẩu trang. Người làm việc và khách tham quan phải mặc trang phục bảo hộ của cơ sở và rửa tay bằng xà phòng trước khi vào và sau khi ra khỏi cơ sở nuôi chim yến.

Nhà nuôi chim yến phải làm vệ sinh thường xuyên và thực hiện các biện pháp tiêu độc, khử trùng định kỳ ít nhất 1 lần/tuần. Không sử dụng chất khử trùng ảnh hưởng đến chất lượng tổ yến. Trong trường hợp chống dịch, thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng theo hướng dẫn của cơ quan thú y.

Dụng cụ phục vụ việc khai thác tổ yến phải được làm vệ sinh, khử trùng tiêu độc trước và sau khi sử dụng.

Chất thải từ việc nuôi chim yến phải được thu gom, tiêu độc, khử trùng và xử lý bằng một trong các biện pháp ủ, đốt, chôn lấp hoặc phương pháp khác nhằm đảm bảo an toàn trước khi đưa ra môi trường.

Thực hiện quy định về giám sát tình trạng sức khỏe và xử lý dịch bệnh: Cơ sở nuôi chim yến phải thường xuyên giám sát tình trạng sức khỏe của đàn chim yến. Nếu có hiện tượng chim chết bất thường, phải báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y để xử lý kịp thời; Cơ sở nuôi chim yến phải được kiểm tra, giám sát và lấy mẫu xét nghiệm định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của cơ quan thú y có thẩm quyền; Trong trường hợp có dịch bệnh: Cơ sở nuôi chim yến phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của cơ quan thú y. Trong thời gian phát sinh dịch bệnh, tất cả tổ yến được khai thác từ những địa phương đã công bố dịch phải được xử lý theo hướng dẫn của cơ quan thú y trước khi tiêu thụ; Những người tham gia thu hoạch, chế biến và bảo quản tổ yến phải sử dụng các dụng cụ, thiết bị, trang phục bảo hộ lao động để đảm bảo an toàn dịch bệnh. Các dụng cụ, trang thiết bị sử dụng trong quá trình khai thác và sơ chế, bảo quản tổ yến phải được vệ sinh, tiêu độc sát trùng trước và sau khi sử dụng để tránh lây nhiễm về mặt vi sinh và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đối với các sở, ngành và địa phương

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì, phối hợp với Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố rà soát thống kê danh sách các cơ sở nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh, hướng dẫn người nuôi chim yến thực hiện các quy định về nuôi chim yến hiện hành, giám sát và phòng chống dịch bệnh chim yến trên địa bàn tỉnh.

2. Sở Xây dựng: Hướng dẫn các quy định chi tiết về cấp phép xây dựng (hoặc không cấp phép xây dựng) đối với các cơ sở, nhà nuôi chim yến. Trên cơ sở các quy định pháp luật về xây dựng hiện hành và Luật Chăn nuôi, giao Sở Xây dựng kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm về xây dựng thuộc phạm vi quản lý của ngành.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường: Phối hợp với các sở, ngành liên quan, Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác kiểm tra môi trường đối với các cơ sở nuôi chim yến theo đúng quy định hiện hành. Đối với các cơ sở chưa đảm bảo về môi trường, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện khắc phục môi trường theo đúng quy định; tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính trong lãnh vực môi trường.

4. Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố:

Chỉ đạo phòng, đơn vị chuyên môn, tổ chức triển khai thực hiện và kiểm tra, đôn đốc, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường và các quy định khác có liên quan trên địa bàn quản lý theo thẩm quyền.

Trong thời gian chờ Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về ban hành quy định khu vực nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không 3 được phép chăn nuôi, vùng nuôi chim yến và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi, địa phương xem xét, hạn chế việc phát triển mới, mở rộng nuôi chim yến tại các đô thị, khu dân cư tập trung trên địa bàn tỉnh.

Chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT/ Phòng Kinh tế thực hiện các nhiệm vụ:

+ Hướng dẫn cơ sở, đơn vị, cá nhân nuôi chim yến khai báo khi nuôi chim yến (mẫu khai báo tại Thông tư số 35/2013/TT-BNNPTNT ngày 22/7/2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định tạm thời về quản lý nuôi chim yến).

+ Hướng dẫn cơ sở, đơn vị, cá nhân nuôi chim yến thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định tại Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn và các quy định hiện hành.

+ Tăng cường công tác theo dõi địa bàn, thống kê các cơ sở, đơn vị, cá nhân nuôi chim yến về tình hình tăng, giảm đàn, phân loại những cơ sở nuôi chim yến thuộc khu vực đô thị, khu dân cư tập trung, công trình công cộng và các khu vực khác…

 

Nguyễn Trí Tuệ - TTKN

(Nguồn CV 239/UBND-KT, ngày 08/5/2019)