Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo Sách trắng về hợp tác xã
Ngày đăng: 22/07/2019

Ngày 20/7, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về “Tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp."

Hợp tác xã chưa tương xứng với tiềm năng trong nông nghiệp

Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu chỉ đạo, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các hợp tác xã nông nghiệp phát triển, tăng cả về số lượng và chất lượng. Mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nông nghiệp phát triển đa dạng, sáng tạo mang lại hiệu quả cao, thúc đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Tính đến tháng 6 năm 2019, cả nước có khoảng 14.500 hợp tác xã với 8,6 triệu hộ, bình quân mỗi tỉnh có 220 hợp tác xã. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì mô hình kinh tế hợp tác xã phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Hầu hết các hợp tác xã nông nghiệp có quy mô sản xuất nhỏ, chưa tiếp cận thị trường, khó vay vốn trung hạn và dài hạn.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, mặc dù đã có nhiều chính sách nhưng ở một số địa phương các chính sách này chưa thực sự đi vào cuộc sống.

Trong khi đó, hợp tác xã là đối tượng yếu thế vì không phải là doanh nghiệp; tôn chỉ và mục đích của hợp tác xã không chỉ hoạt động về kinh tế mà hình thức kinh tế này còn liên quan chặt chẽ về mặt xã hội và phúc lợi khác với chính thành viên hợp tác xã và cộng đồng. Đây lại chính là điểm tựa của sự phát triển bền vững ở vùng sâu, vùng xa, vùng kém lợi thế cạnh tranh.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh mô hình hợp tác xã, kinh tế tập thể có vai trò quan trọng trong nền kinh tế của Việt Nam.

Hội nghị Trung ương 5 khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 18/3/2002, về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể."

Sau 10 năm tổ chức thực hiện, Bộ Chính trị đã chỉ đạo tổng kết và ban hành Kết luận số 56-KL/TW, ngày 21/2/2013, về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

Năm 2019 Bộ Chính trị đã giao cho Chính phủ tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 của Trung ương về kinh tế tập thể.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, sau khi tiến hành tổng kết về hiệu quả mô hình kinh tế hợp tác xã trên toàn quốc, dự kiến Chính phủ sẽ trình trong quý 4, đề xuất Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới về kinh tế tập thể để thực hiện đến 2022.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, mô hình kinh tế tập thể đã có những bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, hứa hẹn nhiều tiềm năng tương lai.

Tính đến hết năm 2018, cả nước có 13.856 hợp tác xã nông nghiệp, tăng 5.769 hợp tác xã so với năm 2003. Trong ba năm gần đây, điều đáng chú ý là trong năm 2017 tăng được 1.000 hợp tác xã; năm 2018 tăng hơn 2.000; năm 2019 có khả năng tăng khoảng 2.500.

Về hiệu quả, với tổng số hợp tác xã nông nghiệp là 14.500 (chiếm trên 60% tổng số hợp tác xã nói chung) thì có 55% hoạt động có hiệu quả; lãi tăng gấp 4 lần, vốn tăng ba lần so với 2003.

"Hiệu quả của hợp tác xã không chỉ đo đếm bằng số thành viên, lợi nhuận mà quan trọng là còn gia tăng giá trị của các thành viên, là phát triển kinh tế hộ gia đình. Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu rõ bình quân thu nhập của hộ gia đình trong hợp tác xã tăng trên 10%, với những hợp tác xã làm ăn hiệu quả thì con số nàylà trên 20%, với hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao thì thu nhập tăng từ 35-40%. Đấy mới là kết quả cuối cùng của mô hình kinh tế hợp tác xã kiểu mới, cũng là sự khác biệt so với mô hình hợp tác xã truyền thống," Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong thời gian qua, nhiều mô hình mới, đa dạng, có liên kết với doanh nghiệp để tạo chuỗi giá trị, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Kết quả tích cực nữa là tiềm năng phát triển của hợp tác xã tăng lên, nhất là ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao trình độ quản lý.

Theo thống kê năm 2018, có 61% cán bộ hợp tác xã có bằng cấp chuyên môn, tăng 2,5 lần so với khi bắt đầu triển khai Nghị quyết 13.

Hiệu quả tổng thể hoạt động của hợp tác xã được nâng lên, đóng góp vào việc phát triển nông thôn mới, nâng cao vai trò của Nhà nước, liên minh hợp tác xã và sự tham gia của người dân.

Bo Ke hoach va Dau tu chu tri soan thao Sach trang ve hop tac xa hinh anh 2

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trao Bằng khen cho các hợp tác xã tiêu biểu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Bên cạnh đó, theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, về tổng kết 15 năm kinh tế tập thể, kể từ Hội nghị Trung ương 5 khoá IX tới nay Bộ Chính trị đã ban hành hai Chỉ thị về triển khai thực hiện, trong đó đánh giá sơ kết cách đây 10 năm nêu rõ rằng kinh tế tập thể “chưa thoát ra khỏi tình trạng yếu kém kéo dài."

Do đó, hội nghị tổng kết là nhằm nhận dạng một số hạn chế, yếu kém và đề xuất những mô hình hay, cách làm mới trong thời gian tới. Thực trạng thời gian qua cho thấy nhiều nơi chưa quan tâm triển khai Nghị quyết 13 đúng mức hoặc chưa có các giải pháp, chương trình cụ thể. 

Theo Phó Thủ tướng, mặc dù hợp tác xã bước đầu cải thiện về lượng và chất nhưng không đồng đều, mới chủ yếu đảm nhận cung ứng dịch vụ đầu vào, còn việc kết nối với doanh nghiệp để đảm bảo vấn đề đầu ra thì chưa có nhiều chuyển biến.

"Chính sách hỗ trợ cho phát triển hợp tác xã rất nhiều, Nghị quyết 13 nêu sáu loại chính sách, nhưng còn chưa đi vào cuộc sống," Phó Thủ tướng nêu lên vấn đề và khẳng định nguyên nhân chính là do cuộc sống không đi vào chính sách, cho nên chính sách không thể đi vào cuộc sống. Làm chính sách cho nông nghiệp mà không gắn sát với đời sống người dân, còn có tình trạng duy ý chí, áp đặt, không thực tiễn.

Bên cạnh đó, quản lý nhà nước về lĩnh vực hợp tác xã còn chồng chéo; năng lực nội tại của đội ngũ quản lý còn yếu kém. Môi trường, chính sách chưa thu hút được nhân lực về lĩnh vực này còn hạn chế.

Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo Sách trắng về hợp tác xã

Trên cơ sở kết quả của hội nghị này và báo cáo của các địa phương, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thiện báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW; gửi sớm cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì việc soạn dự thảo Nghị quyết mới để Chính phủ trình Bộ Chính trị.

Phó Thủ tướng lưu ý trong báo cáo tập trung tổng kết việc phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã có phân kỳ để đánh giá sâu sát hơn, các hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân khách quan, chủ quan...

Đồng thời, báo cáo tổng kết các vấn đề về mô hình tổ chức hợp tác xã; đào tạo nguồn nhân lực; vấn đề quản trị, liên kết nội bộ, liên kết với doanh nghiệp, hợp tác quốc tế; chuyển đổi mô hình tổ hợp tác sang hợp tác xã; nghiên cứu mô hình tín dụng riêng cho hợp tác xã...

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị tốt cho hội nghị tổng kết toàn quốc về thực hiện Nghị quyết số 13; hoàn thành sớm dự thảo Nghị quyết mới để Chính phủ trình Bộ Chính trị.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, các bộ, ngành để soạn thảo Sách trắng về hợp tác xã.

"Chúng ta đã có Sách trắng về doanh nghiệp thì cũng phải có Sách trắng cho hợp tác xã, tổ hợp tác. Trong đó đánh giá, định vị mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác có vai trò gì, nằm ở đâu trên bản đồ kinh tế để các doanh nghiệp, địa phương biết chúng ta cần phải làm những gì trong thời gian tới" - Phó Thủ tướng nêu vấn đề.

Để biểu dương sự cố gắng của các hợp tác xã trong 15 năm qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng ý chủ trương giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức Lễ tôn vinh các hợp tác xã tiêu biểu trong việc thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW./.

                                                                                                                                                                                Theo TTXVN online

Tin cùng danh mục

Nghị quyết về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 17/7/2019 về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn ...

01:10 06/11/2024

Đẩy nhanh xây dựng hình ảnh, thương hiệu cá tra

Cá tra là một trong 5 ngành hàng chủ lực trong Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp.

01:10 06/11/2024

Quy định mới về quản lý, sử dụng đất trồng lúa

Chính phủ ban hành Nghị định số 62/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng ...

01:10 06/11/2024

Hai phương án sản xuất lúa cho Đồng bằng sông Cửu Long

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị sơ kết sản xuất trồng trọt vụ Hè Thu, triển khai sản xuất vụ Thu Đông, vụ mùa 2019 tại Đông ...

01:10 06/11/2024

Tăng cường công tác kiểm dịch thực vật đối với quả tươi xuất khẩu

Cục Bảo vệ thực vật đã ban hành công văn số 1664/BVTV-KD ngày 02/07/2019 về việc tăng cường công tác kiểm dịch thực vật đối với quả tươi xuất khẩu.

01:10 06/11/2024