ĐTO - Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động đến nhiều lĩnh vực của toàn cầu. Và, với khu vực kinh tế tập thể, trọng tâm là các hợp tác xã (HTX) cũng không nằm ngoài ảnh hưởng của vòng xoáy đó.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan đánh giá cao hiệu quả của mô hình canh tác lúa thông minh tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2. Ảnh: M.NHÂN
Để tồn tại và phát triển, hiện nay các HTX tại Việt Nam nói chung, Đồng Tháp nói riêng cũng bắt đầu có những cách làm chủ động, đổi mới công nghệ để thích ứng với xu thế phát triển chung của khoa học công nghệ.
Cánh đồng lúa lý tưởng - quản lý nước bằng hệ thống cảm ứng
Tiên phong ứng dụng 4.0 trong trồng lúa phải kể đến mô hình của HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 (xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười). Theo đó, để từng bước tiếp cận công nghệ, HTX đã có một cách làm khá mới, đó là xây dựng cánh đồng canh tác lúa lý tưởng, có áp dụng các giải pháp công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp. Vụ đông xuân 2017 -2018, HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 phối hợp Công ty Rynan Smart Fetilizers, Trà Vinh thực hiện thí điểm mô hình trồng lúa thông minh 7,6ha. Trong mô hình “Cánh đồng lúa lý tưởng”, nông dân sử dụng phân bón thông minh và sử dụng loại máy cấy hiện đại có chức năng cùng lúc thực hiện 3 công đoạn: cấy lúa, bón phân và phun thuốc diệt cỏ, diệt ốc nên tiết kiệm được nhiều khoản chi phí về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và nhân công. Cùng với đó là trang bị hệ thống cảm ứng mực nước thông minh để giúp nông dân theo dõi mực nước cần sử dụng cho lúa. Nông dân bơm nước vào hay rút nước ra sẽ thao tác bằng cách điều khiển qua điện thoại thông minh. Trên cánh đồng lúa này, nông dân nuôi vịt để tăng thêm lợi nhuận cũng như tiêu diệt các loài sinh vật gây hại cho lúa.
Ông Nguyễn Văn Khi - thành viên của HTX Mỹ Đông 2 cho hay, sản xuất lúa thông minh là phải giảm lượng giống từ 12kg xuống còn 6-8kg, đồng thời sử dụng thuốc sinh học, vùi phân một lần cho cả vụ sản xuất... Phương pháp sản xuất khá mới nên ban đầu nhiều hộ trong xã không làm theo, tuy nhiên qua quá trình vận động, nhiều hộ cũng nhận làm thử. Và thành quả nhận được thật không ngờ, lúa sản xuất thông minh năng suất chỉ khoảng 7 tấn lúa tươi/ha, nhưng bán cho công ty với giá cao hơn từ 400-500 đồng/kg so với lúa sản xuất thông thường.
Nhờ mang lại hiệu quả cao trong quá trình canh tác, hiện nay mô hình vẫn được duy trì và tăng diện tích với 170ha. Qua đánh giá sau các vụ mùa, nông dân giảm 50% phân bón, giảm 75% công bón phân, giảm 50% lượng phát thải khí nhà kính, tăng năng suất 30%. Từ đó, thu nhập của nông dân tăng lên ít nhất được 20%. Đặc biệt, mô hình có sự tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị từ đầu vào đến đầu ra, giúp nông dân an tâm sản xuất. Ước tính, lợi nhuận nông dân thu về khoảng 17,7 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn 4,3 triệu đồng/ha/vụ so với phương pháp canh tác thông thường.
Không chỉ áp dụng quy trình canh tác lúa thông minh, một số khâu sản xuất cũng được HTX thay bằng máy móc hiện đại như: cấy lúa bằng máy, cơ giới hóa từ khâu sản xuất đến thu hoạch, qua đó giúp nông dân giảm giá thành trong sản xuất lúa. Ông Ngô Phước Dũng - Giám đốc HTX Mỹ Đông 2 cho biết, mục tiêu của HTX là mang lại nhiều lợi ích cho xã viên từ việc giảm giá thành, mua chung, bán chung và tăng lợi nhuận từ việc hỗ trợ của công nghệ. Vì thế, HTX sẽ tiếp tục đầu tư nhiều máy móc hiện đại để thực hiện mục tiêu này...
Thử nghiệm phun thuốc bằng máy bay tại Hợp tác xã Thuận Tiến
Máy bay phun thuốc trên đồng ruộng
Cũng ứng dụng phân thông minh, hệ thống cảm ứng mực nước thông minh để theo dõi mực nước trên đồng ruộng, nhưng tại HTX Thuận Tiến (xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh) thời gian gần đây còn có sự đầu tư mạnh mẽ về công nghệ khi mạnh dạn thử nghiệm máy bay phun thuốc trên đồng ruộng. Theo ông Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc HTX Thuận Tiến, trong điều kiện nguồn nhân công trong nông nghiệp đang thiếu thì thiết bị này sẽ là một giải pháp hữu hiệu vừa giảm gánh nặng về thể chất khi làm nông cho thành viên, vừa giảm được chi phí sản xuất, đồng thời giải quyết được bài toán thiếu lao động phun xịt thuốc. “Thực tế khi thử nghiệm thiết bị này vào sản xuất mang lại hiệu quả khá rõ. Cụ thể, luồng gió luân chuyển từ cánh quạt máy bay sẽ giúp hạt thuốc tiếp xúc được một lượng lớn cây trồng, tăng 50% hiệu quả phun thuốc, tiết kiệm được 30% thuốc bảo vệ thực vật; không thất thoát lúa do giẫm đạp. Đặc biệt, không ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động do không tiếp xúc trực tiếp với hóa chất” – ông Hùng nhận xét.
Ngoài ứng dụng công nghệ phun thuốc trên đồng ruộng, HTX Thuận Tiến còn được biết đến với mô hình “Ruộng nhà mình” có ứng dụng công nghệ trong sản xuất. Theo đó, vụ thu đông năm 2018, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, HTX phối hợp với Công ty Lương thực Đồng Tháp thực hiện mô hình cánh đồng lý tưởng 21ha và vẫn được duy trì thực hiện trong vụ đông xuân 2018-2019 với 24ha/7 hộ dân tham gia. Đây là mô hình sản xuất lúa theo hướng an toàn theo quy trình từ gieo cấy đến thu hoạch, có kiểm soát chặt chẽ. Cụ thể, thực hiện cấy cơ giới 60kg/ha giống lúa xác nhận kết hợp với bón vùi phân thông minh, chỉ bón một lần cho suốt vụ; áp dụng quy trình tưới tiêu xen kẽ quản lý nước bằng hệ thống cảm biến qua điện thoại thông minh; quản lý đồng ruộng bằng hệ thống camera, áp dụng các giải pháp kỹ thuật đạt hiệu quả cao; quản lý dịch hại tổng hợp trên đồng ruộng theo quy trình canh tác 3G3T và 1P5G... Đặc biệt, toàn bộ sản phẩm của mô hình sẽ được Công ty Lương thực Đồng Tháp bao tiêu, đóng gói với thương hiệu “Ruộng nhà mình” cung cấp cho thị trường trong nước, đặc biệt là thị trường Hà Nội.
Ông Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc HTX Thuận Tiến cho biết, việc ứng dụng công nghệ “Ruộng nhà mình” cũng như thiết bị máy bay phun thuốc trong nông nghiệp đang là bước đệm, làm động lực để HTX đầu tư công nghệ vào ứng dụng sâu hơn trong các khâu sản xuất. Đây cũng là tiền đề để HTX ứng dụng công nghệ, từng bước xây dựng mô hình nông nghiệp hiện đại, nhất là định hướng xây dựng thương hiệu gạo riêng trong thời gian tới.
Ngày càng nhiều mô hình sản xuất mới
Thay đổi công nghệ bắt kịp thế giới là xu hướng mà một số HTX Đồng Tháp đang hướng tới. Theo ông Lê Quang Cường - Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đồng Tháp, mặc dù còn chậm, nhưng sự nhập cuộc của các HTX trên địa bàn tỉnh cũng đang dần được nâng lên. Không riêng lĩnh vực cây lúa tại 2 HTX Mỹ Đông 2 và Thuận Tiến, sự nhập cuộc công nghệ 4.0 của các HTX còn lại trên các lĩnh vực cây ăn trái, rau màu, vật nuôi... cũng là tín hiệu đáng mừng. Mô hình 4.0 của tỉnh Đồng Tháp có 2 dạng: áp dụng trực tiếp trong sản xuất, đó là các mô hình ứng dụng 4.0 trong sản xuất lúa; mô hình bán nông sản qua mạng tại HTX Mỹ Xương với “Cây xoài nhà tôi”. Tuy có những cách thức ứng dụng công nghệ khác nhau, nhưng tựu chung lại, các mô hình này đều có mục tiêu mang lại nhiều lợi ích cho xã viên từ việc giảm giá thành, tăng lợi nhuận qua áp dụng công nghệ trong sản xuất. Thực tế, qua đánh giá hơn 50% trong tổng số các mô hình này đều có hiệu quả tốt, năng suất lao động của các thành viên HTX tăng từ 5 - 10%, giá bán sản phẩm tăng từ 20 - 25%, thu nhập của thành viên tăng 30%.
Ngoài tăng thu nhập, việc nông dân, HTX chủ động ứng dụng công nghệ trong sản xuất có kết hợp với liên kết tiêu thụ sản phẩm đã cho thấy ý thức của người sản xuất nông sản hiện nay ngày càng được nâng lên, đặc biệt là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, giảm giá thành sản xuất. Đây chính là chìa khóa cho ngành nông nghiệp tiến tới xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, thích ứng với “cơn bão” công nghệ hiện nay.
“Vấn đề cốt lõi để HTX tồn tại bền vững là phải có sự liên kết bền vững và giảm giá thành sản xuất. Chính vì vậy, ứng dụng công nghệ là một trong những giải pháp hiệu quả đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX. Đây chính là xu hướng tất yếu trong phát triển kinh tế hiện nay, đồng thời là nhu cầu cấp thiết của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trong chiến lược phát triển bền vững...” - ông Lê Quang Cường - Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đồng Tháp khẳng định.
Có thể nói, dù mô hình HTX còn nhiều khó khăn nhưng với ý thức vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, giảm giá thành sản xuất, đặc biệt là khai thác tốt công nghệ số trong sản xuất lẫn tiêu thụ sản phẩm nên những mô hình HTX nông nghiệp của tỉnh đã có sự thay đổi rõ nét. Chính sự mạnh dạn thay đổi, áp dụng công nghệ vào sản xuất, những HTX này không chỉ tạo nên câu chuyện nông nghiệp tươi sáng cho chính mình mà còn cho vùng Đất Sen hồng trong tương lai...
Tin cùng danh mục
Độc đáo vườn nho thân gỗ của thầy giáo ở Cần Thơ
Từ hạt cây nho đem về từ Mexico, ông Huỳnh Công Thống, giáo viên dạy toán ở Cần Thơ đã nhân giống phân ly thành một loại cây nho khác, thân giống cây ...
05:43 21/11/2024Xây dựng thương hiệu bằng chất lượng sản phẩm
Nhiều năm qua, nhờ chú trọng sử dụng phân hữu cơ trong canh tác và biện pháp sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, toàn bộ diện tích quýt hồng của Hợp tác ...
05:43 21/11/2024Làng hoa Sa Đéc luôn... mới
................................................................................
05:43 21/11/2024Tin xem nhiều
Hỗ trợ vật tư nông nghiệp mô hình “Cánh đồng sản xuất lúa tiên tiến, tiết kiêm nước, ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0”
Hỗ trợ vật tư nông nghiệp mô hình “Cánh đồng sản xuất lúa tiên tiến, tiết ...
Kiên Giang chuyển đổi mô hình nuôi tôm thân thiện với môi trường
Nuôi tôm sạch theo mô hình lót bạt đáy của ông Lê Việt Hải (64 tuổi), ...
Tăng sức cạnh tranh cho hàng nông sản Việt
Nông sản Việt không chỉ cung ứng cho xuất khẩu mang lại hàng chục tỷ đô ...
Lễ ra mắt Hội quán Thành Tân
Lễ ra mắt Hội quán Thành Tân
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả từ mô hình trồng sầu riêng
Mạnh dạn chọn hướng đi riêng, ông Lê Thanh Điền ở xã Phú Hựu, huyện Châu ...