Về Thuận Tân Hội quán xem dỡ chà bắt cá trên sông Tiền
Ngày đăng: 16/09/2019

Sẽ thật đáng tiếc khi đến thăm Thuận Tân Hội quán (một điểm du lịch mới nổi tại xã Tân Thuận Tây, TP.Cao Lãnh) mà du khách lại bỏ lỡ cảnh dỡ chà bắt cá, không được tận mắt xem cảnh săn cá lòng tong trên sông Tiền. Không cầu kỳ xa hoa, Thuận Tân Hội quán giữ chân du khách với những dịch vụ chân quê, “cây nhà lá vườn” nhưng mang đậm tình người, tình đất của con người nơi đây.

Mặc dù được sinh ra và lớn lên ở vùng sông nước miền Tây, vậy mà khi được các “bô lão” trong Ban chủ nhiệm Thuận Tân Hội quán mời trải nghiệm dịch vụ dỡ chà bắt cá trên sông Tiền (một loại hình dịch vụ phục vụ khách du lịch khi đến tham quan Thuận Tân Hội quán), chúng tôi hết sức háo hức. Vì đây là lần đầu tiên chúng tôi biết được hình thức săn bắt cá thú vị này. Cảm giác hồi hộp ngồi trên chiếc xuồng bập bềnh trên sông và kiên nhẫn chờ những “chuyên gia dỡ chà” rút từng nhánh cây ra khỏi đống chà, rồi ngắm mấy con cá to béo vẫy nước trong lưới mang lại cảm giác thú vị khó tả.

 

Description: http://www.baodongthap.vn/database/image/2019/09/15/dt2-8a.jpg
Những “chuyên gia dỡ chà” hì hục kéo mẻ lưới

Chia sẻ về kinh nghiệm chất chà nhiều năm của mình, ông Phạm Văn Phong - thành viên Thuận Tân Hội quán cho biết: “Chất chà để dụ cá vào ở là hình thức săn bắt cá có từ lâu đời của người dân sông nước miền Tây. Tuy nhiên, những năm gần đây, lượng cá tự nhiên trên các sông lớn không còn nhiều nên bây giờ ít người thực hiện bắt cá theo hình thức này. Chất chà tuy dễ nhưng lại khó. Dễ là vì chỉ cần có tấm lưới cùng với những nhánh cây quanh vườn để chất thành đống xuống sông. Còn khó là vì chất chà lẫn dỡ chà cần phải khéo léo, phải có kinh nghiệm sông nước, hiểu được tập tính của từng loài cá thì mới thu hoạch được nhiều”.

Sau khi hoàn tất khâu đặt đóng chà, người chủ sẽ dùng tấm, cám để làm mồi nhử cá vào ở. Cách làm này sẽ được duy trì thường xuyên, lâu dần thành thói quen và cá xem đống chà là “nhà”. Đến ngày thu hoạch, khi các nhánh chà được vớt hết, các góc lưới sẽ được kéo dần lên. Tuy nhiên, công việc này lại đòi hỏi sự khéo léo, bởi nếu làm mạnh tay cá sẽ nhảy ra khỏi lưới. Thông thường, khoảng chừng 4 - 6 tuần là người dân có thể dỡ chà lên và thu hoạch cá. Trung bình mỗi đống chà nhỏ có thể thu hoạch khoảng 15 - 20kg cá. Các loại cá chủ yếu là cá mè vinh, cá éc, cá he, cá linh, cá lăng, tép lóng... Kinh nghiệm từ các chuyên gia làm nghề này cho biết, để bắt được nhiều cá lớn thì các chủ chà phải đầu tư đặt đống chà to và thời gian để lâu hơn.

Ngoài việc mãn nhãn với cách bắt cá độc đáo như dỡ chà, du khách đến đây còn được tìm hiểu về phương thức đánh bắt những loài cá nhỏ (cá cơm và cá lòng tong), mang nét đặc trưng của vùng sông nước miền Tây. Để bắt được những loại cá nhỏ này cần đến tấm lưới thật to nhưng chỉ lưới phải thật mành giống như những sợi tơ. Những tấm lưới được thả bềnh bồng trên sông, sau vài tiếng chủ nhân sẽ thu hoạch, mang về những mẻ lưới đầy cá. Nếu không phải người trong nghề thì nhiều du khách sẽ không khỏi thắc mắc bằng cách nào mà những người ngư dân có thể gỡ từng con cá bé xíu ra khỏi các chiếc lưới mành, đầy chỉ.

Song nghề nghiệp nào cùng có cái quy tắc riêng của nó. Sau khi lưới cá lòng tong được đem về sẽ được ngư dân đưa vào cái mùng chuyên dụng để gỡ cá. Sau đó tấm lưới sẽ được 4 người kéo thẳng ra, hai người bên trong mùng sẽ dùng cây quất vào lưới cho cá rớt ra. Chỉ trong mươi phút, vài ký cá lòng tong đã được tách ra khỏi chiếc lưới, con nào cũng tươi roi rói.

Sau mỗi chuyến đánh bắt, có lẽ điều mà nhiều du khách mong chờ nhất chính là được thưởng thức các sản vật tự nhiên vừa mới đánh bắt được. Không làm khách du lịch hụt hẫng, với bàn tay khéo léo các bà nội trợ của Thuận Tân Hội quán sẽ nhanh chóng chế biến mẻ cá đồng thành nhiều món hấp dẫn từ cá éc, cá linh nướng mọi chấm nước mắm me đến canh chua cá trê, chem chép nướng mỡ hành, bánh canh hến... Món nào cũng tươi mới, ngọt lịm ngay từ đầu lưỡi mà khó có du khách nào có thể quên được khi đến du lịch tại đây.

Với người dân bản địa thì việc săn bắt cá trên sông như thế này đã trở nên quá quen thuộc. Tuy nhiên đối với người dân chốn phố thị, nhiều bạn trẻ và trẻ em bây giờ thì những trải nghiệm này lại rất thực tế và thú vị mà Thuận Tân Hội quán mang lại cho du khách. Thông qua đây, chúng ta được tái hiện lại một cách sống động và chân thực nhiều bài học về cách mà cha ông ta ngày xưa đã tồn tại và thích ứng với thiên nhiên...

Theo baodongthap.vn

 

 

Tin cùng danh mục

Người dân đầu nguồn đón lũ muộn

Năm nay, mặc dù mùa nước nổi về muộn hơn một tháng so với cùng kỳ năm trước, nhưng đến thời điểm giữa đầu tháng 9, dòng nước đỏ ngầu từ thượng nguồn đổ ...

12:27 04/12/2024

Đồng Tháp xả lũ vào đồng ruộng lấy phù sa

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp có kế hoạch xả lũ năm 2019 lấy phù sa.

12:27 04/12/2024

Nông dân trẻ lưu giữ truyền thống từ nghề làm nước mắm

Nông dân trẻ lưu giữ truyền thống từ nghề làm nước mắm

12:27 04/12/2024

Trà Vinh: Nuôi bò thịt và vỗ béo có lãi hơn 50%

Với giá bò thịt từ đầu năm đến nay luôn ở mức cao, từ 180.000 - 190.000 đồng/kg thịt bò hơi, người nuôi bò thịt và vỗ béo ở tỉnh Trà Vinh có lãi hơn 50% ...

12:27 04/12/2024

Giá dừa khô tại Trà Vinh tăng cao

Liên tục trong những ngày gần đây, giá dừa khô tại tỉnh Trà Vinh không ngừng tăng cao.

12:27 04/12/2024