TCCSĐT - Quyết định số 899/QĐ-TTg, ngày 10-6-2013, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” đã mở ra hướng phát triển của ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn, ứng dụng công nghệ cao và liên kết theo chuỗi giá trị của sản phẩm. Để có thể thực hiện thành công Đề án, góp phần phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn nước ta trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì chính sách tín dụng là một nhân tố có vai trò vô cùng quan trọng.
Thực tiễn triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp
Nghị quyết số 26 - NQ/TƯ, ngày 05-8-2008, của Hội nghị lần Trung ương 7 khóa X “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn” đã xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước. Vì thế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Quyết định số 800/QĐ-TTg, ngày 04-6-2010, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 đề ra mục tiêu xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.
Bước vào thời kỳ mới, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, trước những cơ hội và thách thức mới, cơ chế sản xuất nông nghiệp với quy mô nhỏ, manh mún, thiếu liên kết đã bộc lộ nhiều bất cập; tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa thường xuyên xảy ra; một số sản phẩm nông nghiệp tăng về sản lượng nhưng lại không tăng giá trị (thậm chí giảm đi), đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập và đời sống của người nông dân. Vì vậy, việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp đang là yêu cầu cấp bách được đặt ra trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nước ta. Ngày 10-6-2013, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 899/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Đây là cơ sở quan trọng để thực hiện cơ cấu, tổ chức lại sản xuất cho phù hợp với thực tiễn, đưa ngành nông nghiệp nước ta phát triển toàn diện, hiện đại; nông sản có năng lực cạnh tranh cao, quy mô hàng hóa lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, từ đó nâng cao thu nhập, đời sống của nhân dân. Để thực hiện thành công Đề án, cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ kèm theo, trong đó chính sách tín dụng - một trong những công cụ được Ðảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm để phát triển nông nghiệp, nông thôn, đóng vai trò hết sức quan trọng.
Thời gian qua, nông nghiệp, nông thôn được xác định là một trong những lĩnh vực được ưu tiên đầu tư vốn. Dòng vốn tín dụng ngân hàng chảy vào khu vực nông nghiệp, nông thôn đã được khơi thông, góp phần thúc đẩy sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực. Hàng loạt chính sách đã được Ngân hàng Nhà nước ban hành nhằm hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực này, tiếp sức cho ngành nông nghiệp phát triển bền vững. Ngày 12-4-2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (thay thế cho Quyết định số 67/1999/QĐ-TTg ngày 30-3-1999). Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước đã xác định thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành và ban hành các văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung thực hiện, như quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo chủ trương của Chính phủ; ban hành Thông tư 20/2010 quy định giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tổ chức tín dụng có dư nợ cho vay nông nghiệp - nông thôn chiếm trên 40% tổng dư nợ cho vay của tổ chức tín dụng; ưu tiên tái cấp vốn đối với các tổ chức tín dụng có tỷ trọng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn cao đang gặp khó khăn về nguồn vốn; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai Chương trình kết nối giữa ngân hàng - doanh nghiệp, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản tiếp cận có hiệu quả nguồn vốn tín dụng ngân hàng; tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng mở rộng mạng lưới tại các vùng sâu, vùng xa, các địa bàn nông nghiệp, nông thôn phù hợp với điều kiện thực tế để đáp ứng nhu cầu vốn cho phát triển sản xuất - kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh, đa dạng hóa hoạt động tín dụng ở nông thôn, đáp ứng nhu cầu vốn phát sinh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Để tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi lợn, gia cầm, ngày 08-8-2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số chính sách cấp bách hỗ trợ sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản tại văn bản số 1149/TTg-KTN; Quyết định 540/QĐ-TTg ngày 16-4-2014 về chính sách tín dụng đối với người nuôi tôm và cá tra; Quyết định 63/2010/QĐ-TTg và Quyết định 65/2011/QĐ-TTg hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản. Thông tư 13/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước ngày 18-4-2014 hướng dẫn thực hiện Quyết định 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, áp dụng đối với các hợp đồng vay vốn nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp được ký trước ngày 31-12-2020... Triển khai Nghị định 109/2010/NĐ-CP, ngày 04-11-2010 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 08/2011/TT-NHNN, ngày 08-4-2011, quy định chi tiết về tín dụng kinh doanh xuất khẩu gạo theo Nghị định 109/2010/NĐ-CP. Theo đó, các tổ chức tín dụng có trách nhiệm chủ động cân đối nguồn vốn để cho vay, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu thóc gạo hàng hóa. Ngoài ra, các chính sách tín dụng để tái canh cây cà phê, chính sách hỗ trợ ngư dân… cũng được tích cực triển khai.
Ngày 05-3-2014, Chính phủ ra Nghị quyết số 14/NQ-CP, giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai xây dựng chương trình thí điểm cho vay đối với các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao và phục vụ xuất khẩu đối với các sản phẩm nông nghiệp với nhiều chính sách đặc thù để hỗ trợ phát triển, phục vụ Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Mục tiêu của chương trình cho vay thí điểm là hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiên phong, khuyến khích doanh nghiệp và nông dân tham gia. Ngày 28-5-2014, Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định 1050 về Chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết 14/NQ-CP của Chính phủ, nhằm khuyến khích các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị gia tăng, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp với nhiều cơ chế cho vay đặc thù, như lãi suất cho vay ưu đãi thấp hơn lãi suất cho vay thông thường từ 1-1,5%/năm, mức cho vay lên đến 90% giá trị của phương án, dự án vay vốn. 28 doanh nghiệp tại 22 tỉnh, thành phố trên toàn quốc đã được lựa chọn tham gia chương trình cho vay thí điểm để thực hiện 31 dự án theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Sau hơn 1 năm triển khai, chương trình đã đạt được những kết quả tích cực, người dân được doanh nghiệp cung cấp vật tư, nguyên liệu đầu vào ổn định với chi phí thấp hơn tự mua trên thị trường; được tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật nuôi trồng, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản; được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch với giá cả hợp lý; được tạo điều kiện cho vay với thủ tục đơn giản, lãi suất ưu đãi hơn lãi suất cho vay nông nghiệp, nông thôn thông thường và được cho vay tín chấp. Các doanh nghiệp đầu mối tham gia liên kết phát triển ổn định về nguồn nguyên liệu, thị trường và lợi nhuận. Các chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân đã hình thành những vùng nguyên liệu đạt các tiêu chuẩn, như VietGAP, GlobalGAP, giá thành sản phẩm giảm, tăng khả năng cạnh tranh. Nhờ đó, các địa phương đã bước đầu hình thành các mô hình mẫu trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết, ứng dụng công nghệ cao.
Hiện nay, trước những thách thức của biến đổi khí hậu, yêu cầu tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững được đặt ra với nền kinh tế nước ta nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng. Vì thế, thời gian qua, các tổ chức tín dụng đã tập trung nhiều nguồn vốn cho các dự án xanh, như ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất (cho vay vốn mua thiết bị máy móc nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, cho vay trồng rừng…); phát triển nông thôn mới (vấn đề vệ sinh, nước sạch và môi trường nông thôn; giao thông nông thôn, chợ đầu mối…) có ý nghĩa trực tiếp trong phát triển bền vững, trong phát triển nền kinh tế xanh… Những vướng mắc về chính sách, cơ chế cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trước đây đã được tháo gỡ với việc Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, ngày 09-6-2015, về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, có hiệu lực thi hành từ ngày 25-7-2015 (thay thế Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12-4-2010), cho phép các tổ chức tín dụng được cho vay không có tài sản bảo đảm đối với một số đối tượng khách hàng (cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh, hợp tác xã, chủ trang trại) lên gấp 1,5-2 lần so với quy định tại Nghị định 41/2010, có tính đến các lĩnh vực, sản phẩm đặc thù; quy định chính sách tín dụng khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết chuỗi giá trị, mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, như quy định mức vay không có tài sản bảo đảm từ 70 - 80% giá trị phương án, dự án sản xuất - kinh doanh; quy định cơ chế xử lý khoản nợ (khoanh nợ, xóa nợ) khi khách hàng gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng (thiên tai, dịch bệnh), tạo điều kiện để các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và liên kết chặt chẽ với nông dân. Khuyến khích các đối tượng khách hàng tham gia bảo hiểm rủi ro trong nông nghiệp (khách hàng tham gia bảo hiểm nông nghiệp được hưởng chính sách ưu đãi lãi suất tối thiểu 0,2%/năm so với lãi suất thông thường). Nghị định 55 đã tạo bước đột phá trong việc khơi thông dòng vốn tín dụng chảy về nông thôn, tạo “cú hích” quan trọng đẩy nhanh việc thực hiện cơ cấu, tổ chức lại sản xuất, gia tăng sức cạnh tranh, góp phần phát triển bền vững ngành nông nghiệp nước ta.
Ngày 07-9- 2018, Chính phủ ra Nghị định số 116/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, ngày 09-6-2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, quy định về việc cho vay phát triển nông nghiệp và nông thôn là một trong những giải pháp giúp nâng cao tiếp cận vốn của người nghèo ở vùng nông thôn, góp phần hạn chế việc người dân tìm đến các nguồn vốn không chính thức khác. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh đối tượng khách hàng vay vốn chính sách tín dụng nông nghiệp nông thôn, đối tượng vay vốn không có tài sản bảo đảm, bổ sung quy trình khoanh nợ, ân hạn, giảm thủ tục hành chính theo hướng mở rộng, đơn giản hóa thủ tục. Mức cho vay tối đa không có tài sản bảo đảm của một số đối tượng khách hàng là cá nhân, hộ gia đình đã tăng lên gấp 2 lần, hạn chế tình trạng khách hàng thiếu vốn tìm đến các tín dụng đen.
Nhờ những chính sách trên, tín dụng của ngành ngân hàng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn thời gian qua đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, các đối tượng khách hàng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn có điều kiện tiếp cận được nhiều hơn nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Hiện có khoảng 70 tổ chức tín dụng, mạng lưới hơn 1.100 quỹ tín dụng nhân dân và Ngân hàng Chính sách xã hội tham gia cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn. Tăng trưởng tín dụng bình quân đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2011 - 2015 là 17,39%/năm, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế (13,51%). Theo Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng nông nghiệp, nông thôn đến cuối tháng 11-2018 ước đạt khoảng 1,69 triệu tỷ đồng, tăng 14,5% so với cuối năm 2017 (cao hơn so với mức tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế); chiếm tỷ trọng gần 24% tổng dư nợ đối với nền kinh tế. Tỷ lệ nợ xấu lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thấp hơn so với tỷ lệ nợ xấu toàn nền kinh tế. Vốn tín dụng ngân hàng đã góp phần quan trọng thúc đẩy ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển và có những bước tiến vượt bậc, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu với tổng kim ngạch xuất khẩu 10 năm (2008 - 2017) đạt 261,28 tỷ USD, tăng bình quân 9,24%/năm; riêng năm 2017 đạt 36,52 tỷ USD (tăng 20,05 tỷ so với năm 2008) với 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên. Năm 2018, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2012 - 2018 (3,76%), đóng góp 8,7% vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế. Nhờ đó, bộ mặt nhiều vùng nông thôn - địa bàn chính của sản xuất nông nghiệp đã có nhiều thay đổi tích cực; đời sống vật chất và tinh thần của nông dân ở hầu hết các vùng nông thôn ngày càng được cải thiện. Cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn đã có bước chuyển dịch tích cực theo hướng đẩy mạnh sản xuất các loại nông sản hàng hóa có nhu cầu thị trường và có giá trị kinh tế cao. Nông sản Việt Nam hiện có mặt tại hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu nông sản đứng thứ 2 Đông Nam Á và thứ 15 thế giới.
Giải pháp phát huy hiệu quả của chính sách tín dụng trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn
Có thể thấy, chính sách tín dụng ngân hàng góp phần quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, bước đầu kết hợp với các chính sách khác của nhà nước về nông nghiệp, nông thôn (như chính sách khuyến nông, khuyến công…), góp phần bảo đảm sự phát triển ổn định, bền vững cho nông nghiệp; qua đó cải thiện và nâng cao điều kiện sống cho người nông dân cũng như góp phần thực hiện thành công Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Thời gian tới, để đạt được mục tiêu đến năm 2020 tốc độ tăng trưởng nông, lâm, thủy sản đạt 3,5 - 4%/năm; phát triển nông nghiệp kết hợp với phát triển công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn, giải quyết cơ bản việc làm, nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn gấp trên 2,5 lần so với hiện nay, thì hoạt động tín dụng (với tư cách là một trong những công cụ được Ðảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm để phát triển nông nghiệp, nông thôn) cũng như các chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông thôn cần có những đổi mới tích cực. Một số giải pháp để phát huy hiệu quả của chính sách tín dụng trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn được đề xuất là:
Thứ nhất, tăng cường công tác thông tin và truyền thông để nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp, người nông dân và toàn xã hội về Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, về vai trò của tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, về vị trí và tầm quan trọng của quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Mở rộng và nâng cao cơ hội tiếp cận thông tin về các nguồn vốn tín dụng cho các đối tượng cư dân ở nông thôn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa; từ đó giúp người nông dân có cơ hội vay vốn để sản xuất có hiệu quả; góp phần xóa đói, giảm nghèo đa chiều bền vững.
Thứ hai, Chính phủ và các bộ, ngành, chính quyền các địa phương cần có giải pháp cụ thể hơn, quyết liệt hơn trong việc tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh đào tạo nghề ở nông thôn, tăng cường các cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân về khoa học - kỹ thuật, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, về thông tin thị trường và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Hoàn thiện cơ sở pháp lý, xây dựng và quản lý hiệu quả các quy hoạch kinh doanh vùng nông nghiệp chuyên canh theo mô hình công nghiệp. Kết hợp chặt chẽ giữa Nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - nhà nông, mở rộng đối tượng cho vay không chỉ để phục vụ sản xuất, mà còn cả đối tượng chế biến, tiêu thụ; phát triển cho vay theo các chuỗi cung ứng và liên kết sản xuất - tiêu thụ trọn gói. Tích cực dụng ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao; nâng cao khả năng phòng ngừa và khắc phục dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi… Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp và hợp tác xã đầu tư phát triển công nghiệp bảo quản, chế biến nông, lâm thủy sản… Tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước và đa dạng hóa các nguồn vốn để tiếp tục đầu tư phát triển mạnh hơn kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn.
Thứ ba, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, phát triển và đa dạng hóa sản phẩm tín dụng, đơn giản hóa thủ tục vay vốn. Đẩy mạnh việc thực hiện Nghị định số 116/2018/NĐ-CP, ngày 07-9- 2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, ngày 09-6-2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Hoàn thiện và sửa đổi các quy định của pháp luật liên quan tới tín dụng nông nghiệp, nông thôn, như điều chỉnh cho phù hợp chính sách thuế, chính sách đất đai...; có chính sách hỗ trợ về nguồn vốn, lãi suất ưu đãi để hỗ trợ các đối tượng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được tiếp cận vốn với chi phí hợp lý. Khuyến khích các tổ chức tín dụng tham gia nhiều hơn vào cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cần tăng cường tiếp cận các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp; phối hợp với các bộ, ban, ngành, đoàn thể tại địa phương lựa chọn các mô hình sản xuất có hiệu quả để cho vay, kiểm soát vay và thu nợ, gắn đầu tư tín dụng với việc thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, đặc biệt đối với các xã trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục nâng cao trình độ cán bộ tín dụng am hiểu về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong thẩm định các dự án cho vay.
Thứ tư, Chính phủ cần có biện pháp phát triển thị trường bảo hiểm nông nghiệp, khuyến khích các tổ chức bảo hiểm tham gia lĩnh vực nông nghiệp nhiều hơn, giúp người nông dân yên tâm đầu tư sản xuất ổn định và lâu dài; có các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, như giảm thuế, cấp bù lỗ và bảo hiểm lãi suất cho vay nông nghiệp đối với một số sản phẩm, hỗ trợ mua bảo hiểm rủi ro cho nông dân… Nghiên cứu việc Chính phủ hỗ trợ mua bảo hiểm rủi ro trong nông nghiệp cho nông dân; cấp bù lỗ và bảo hiểm lãi suất cho vay đối với tín dụng nông nghiệp cho một số sản phẩm, địa bàn lựa chọn...
Thứ năm, Ngân hàng Nhà nước cần khẩn trương rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện thể chế về ngân hàng và tín dụng phù hợp với những mục tiêu tăng trưởng xanh, xây dựng các giải pháp cụ thể hơn nhằm thúc đẩy các sản phẩm ngân hàng - tín dụng xanh, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện tăng trưởng xanh, góp phần thực hiện Quyết định số 403/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 20-03-2014, Phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020. Các bộ, ngành, các cơ quan chức năng cần tăng cường hoàn thiện thể chế, ban hành các biện pháp cụ thể, tăng cường chất lượng các khâu thẩm định dự án, tăng cường kiểm tra, kiểm soát về vệ sinh, an toàn thực phẩm…, khắc phục và tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong triển khai các chính sách tín dụng cho các chương trình lớn về phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại cũng cần tiếp tục chủ động, tham gia tích cực, mở rộng vốn tín dụng an toàn, hiệu quả, thực hiện các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, chiến lược phát triển kinh tế xanh.
Thứ sáu, thực hiện mở rộng hoạt động tín dụng, cho vay thông qua các cấp hội (hội nông dân, hội phụ nữ) trên toàn quốc. Hội nông dân, hội phụ nữ các cấp cần xây dựng kế hoạch thực hiện các công đoạn ủy thác vốn vay và giám sát sử dụng nguồn vốn bảo đảm đúng mục đích, hiệu quả; có cán bộ chuyên trách hoạt động ủy thác; chủ động tổ chức các cuộc kiểm tra định kỳ, đột xuất, hoặc lồng ghép kiểm tra hoạt động ủy thác tại các cơ sở hội, chi hội/tổ, nhằm phát hiện những vấn đề phát sinh, những khó khăn, vướng mắc để có giải pháp kịp thời; qua đó nâng cao hiệu quả của hoạt động tín dụng, góp phần thúc đẩy sản xuất, cải thiện thu nhập và nâng cao đời sống nông dân, góp phần thực hiện thành công Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới./.
Theo tapchicongsan.org.vn
Tin cùng danh mục
Nước quýt hồng cô đặc - “làn gió mới” cho thủ phủ quýt hồng
.............................................
06:14 21/11/2024Độc đáo vườn nho thân gỗ của thầy giáo ở Cần Thơ
Từ hạt cây nho đem về từ Mexico, ông Huỳnh Công Thống, giáo viên dạy toán ở Cần Thơ đã nhân giống phân ly thành một loại cây nho khác, thân giống cây ...
06:14 21/11/2024Xây dựng thương hiệu bằng chất lượng sản phẩm
Nhiều năm qua, nhờ chú trọng sử dụng phân hữu cơ trong canh tác và biện pháp sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, toàn bộ diện tích quýt hồng của Hợp tác ...
06:14 21/11/2024Làng hoa Sa Đéc luôn... mới
................................................................................
06:14 21/11/2024Tin xem nhiều
Hỗ trợ vật tư nông nghiệp mô hình “Cánh đồng sản xuất lúa tiên tiến, tiết kiêm nước, ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0”
Hỗ trợ vật tư nông nghiệp mô hình “Cánh đồng sản xuất lúa tiên tiến, tiết ...
Kiên Giang chuyển đổi mô hình nuôi tôm thân thiện với môi trường
Nuôi tôm sạch theo mô hình lót bạt đáy của ông Lê Việt Hải (64 tuổi), ...
Tăng sức cạnh tranh cho hàng nông sản Việt
Nông sản Việt không chỉ cung ứng cho xuất khẩu mang lại hàng chục tỷ đô ...
Lễ ra mắt Hội quán Thành Tân
Lễ ra mắt Hội quán Thành Tân
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả từ mô hình trồng sầu riêng
Mạnh dạn chọn hướng đi riêng, ông Lê Thanh Điền ở xã Phú Hựu, huyện Châu ...