Nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu cho hợp tác xã nông nghiệp
Ngày đăng: 30/10/2023

Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang tác động mạnh mẽ đến ngành nông nghiệp, gây ra tình trạng nắng nóng kéo dài, mưa trái mùa, áp lực dịch bệnh lên cây trồng. Theo đó, các hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) trên địa bàn tỉnh cũng chịu tác động không nhỏ khi năng suất, chất lượng sản phẩm đầu ra chưa cao, tăng chi phí sản xuất…


Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2, xã Mỹ Đông huyện Tháp Mười áp dụng đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất (Ảnh: Mỹ Nhân)

Để tháo gỡ khó khăn trên, tỉnh đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án Nâng cao năng lực thích ứng với BĐKH của HTXNN vùng đồng bằng sông Cửu Long, giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chuyên môn triển khai thực hiện một số giải pháp nhằm giảm nhẹ, thích ứng các tác động của BĐKH đến các HTXNN trong canh tác, cụ thể như: áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất (từ gieo sạ đến thu hoạch); sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, hữu cơ, SRP, VietGAP... Đồng thời áp dụng các biện pháp giảm khí phát thải nhà kính như bón phân vùi; sử dụng drone để phun thuốc phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng; triển khai mô hình canh tác nông nghiệp sinh thái, ứng dụng công nghệ gắn với liên kết tiêu thụ nông sản.

Hiện, tỉnh đầu tư được 15 Trạm giám sát sâu rầy thông minh, bước đầu phát huy tốt trong việc giám sát, thông tin tình hình dịch hại đến người dân kịp thời, góp phần làm tăng hiệu quả sản suất. Đồng thời lồng ghép có hiệu quả nguồn vốn để hỗ trợ HTXNN thực hiện các công trình như: kiên cố hóa đường nước tưới, cấp cống hở tạo nguồn; hỗ trợ đưa lao động trẻ về làm việc tại tổ chức kinh tế tập thể.

Thời gian qua, tỉnh còn đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về tác động và biện pháp thích ứng với BĐKH; đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ HTXNN và các thành viên hợp tác xã (HTX). Qua đó, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm, nhận thức của người dân, định hướng chuyển đổi tư duy, phương thức sản xuất, ứng phó với BĐKH. Đồng thời giúp cán bộ quản lý HTX nâng cao năng lực xây dựng và thực hiện kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh nông nghiệp thích ứng với BĐKH; sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất tốt, bền vững...

Đáng chú ý, tỉnh triển khai hỗ trợ các HTX thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh với BĐKH, liên kết chuỗi giá trị. Đơn cử như xây dựng mô hình trình diễn sản xuất lúa phát triển vùng nguyên liệu tại đồng bằng sông Cửu Long tại HTX Dịch vụ nông nghiệp An Thành, xã Phú Thành A, huyện Tam Nông. Mô hình ứng dụng phương pháp sạ lúa theo cụm giúp giảm lượng giống gieo sạ còn 80kg/ha (giảm 40kg/ha so với ruộng ngoài mô hình), sử dụng phân hữu cơ giảm phân bón hóa học gây phát thải khí nhà kính.

Tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi, thực hiện mô hình sản xuất lúa theo hướng hiện đại, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất từ khâu làm đất, gieo sạ, bón phân, phun thuốc, thu hoạch và liên kết tiêu thụ sản phẩm với các công ty, doanh nghiệp nhằm giảm giá thành, tăng thu nhập, tạo sản phẩm an toàn phục vụ cho người tiêu dùng và xuất khẩu mang lại giá trị kinh tế cao, sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP. Bên cạnh đó, từ vụ hè thu năm 2023, HTX triển khai thực hiện mô hình ngập khô xen kẽ (AWD), đặt ống cảm biến theo dõi mực nước, khí thải carbon.

Ngoài ra, tỉnh còn xây dựng các mô hình sản xuất lúa hữu cơ tuần hoàn gắn với truy xuất nguồn gốc thực hiện tại HTX Phú Thọ, xã An Long, huyện Tam Nông với quy mô 10ha/8 hộ; mô hình sản xuất lúa bền vững theo tiêu chuẩn SRP thực hiện tại 15 HTX trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ cho 22 HTX/hội quán bộ dụng cụ quan trắc môi trường nước; chuyển giao quy trình sản xuất nước cốt chanh mật ong cho HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Long (xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh)...

Hướng tới giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông nghiệp, mô hình thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng góp phần nâng cao nhận thức cho nông dân về tầm quan trọng của việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tiết kiệm, an toàn, hiệu quả và góp phần trong việc bảo vệ môi trường.

Theo UBND tỉnh, thời gian qua, các mô hình giúp giảm được phân hóa học, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận cho nông dân trồng lúa trên đơn vị diện tích. Mặt khác, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, hạn chế ô nhiễm môi trường và tạo cơ hội cho lao động nông thôn tiếp cận thêm nghề mới.

Trên tinh thần nâng cao năng lực thích ứng với BĐKH của HTXNN, tỉnh còn ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển HTX hoàn thiện kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm đáp ứng yêu cầu thích ứng với BĐKH. Tình hình phát triển đội ngũ tư vấn, lực lượng khuyến nông cộng đồng tại địa phương được tỉnh quan tâm. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 106 Tổ khuyến nông cộng đồng được thành lập với 1.148 thành viên. Các hoạt động chính như: chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp, tham gia đào tạo, tập huấn cho nông dân, HTX; tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tư vấn hỗ trợ phát triển HTX, tổ hợp tác, tư vấn liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, kết nối thị trường, tư vấn quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chính sách, hướng dẫn chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp...

Baodongthap.vn

Tin cùng danh mục

Lớp đào tạo tập huấn ngoài mô hình “Kỹ thuật thâm canh Xoài theo VietGAP” thuộc Dự án Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả theo VietGAP

Lớp đào tạo tập huấn ngoài mô hình “Kỹ thuật thâm canh Xoài theo VietGAP” thuộc Dự án Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả theo VietGAP

08:54 22/11/2024

Thực hiện Đề án Chuyển đổi số ngành nông nghiệp

Thực hiện Đề án Chuyển đổi số ngành nông nghiệp

08:54 22/11/2024

Quyết tâm xây dựng hoàn thành tiêu chí huyện nông thôn mới

Quyết tâm xây dựng hoàn thành tiêu chí huyện nông thôn mới

08:54 22/11/2024

Hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và công tác giảm nghèo

Hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và công tác giảm nghèo

08:54 22/11/2024

Thị trường ngư cụ vào mùa nhưng thưa khách

Thị trường ngư cụ vào mùa nhưng thưa khách

08:54 22/11/2024