Chủ động ứng phó với mưa lớn trên diện rộng và thời tiết nguy hiểm
Ngày đăng: 23/08/2023

Để chủ động ứng phó, nhằm giảm thiểu thiệt hại do ảnh hưởng của mưa lớn diện rộng và thời tiết nguy hiểm gây ra, Uỷ ban nhân dân Tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành Tỉnh, Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân Tỉnh tại Công điện số 02/CĐ- UBND ngày 05/7/2023 về việc tăng cường công tác chủ động phòng, chống thiên tai và sạt lở bờ sông trong mùa mưa lũ trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp và Công văn số 438/UBND-KT ngày 20/4/2023, về chủ động ứng phó với mưa lũ, dông lốc, sét, bão, áp thấp nhiệt đới, sạt lở bờ sông năm 2023; Công văn số 233/UBND-ĐTXD ngày 19/06/2023, về việc triển khai thực hiện phương án bảo vệ trọng điểm đê điều xung yếu năm 2023; đồng thời, theo chức năng nhiệm vụ được giao tập trung triển khai thực hiện một số nội dung như sau:

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Phối hợp với Đài khí tượng thuỷ văn khu vực Nam Bộ, Đài khí tượng thủy văn Tỉnh tiếp nhận truyền phát các tin cảnh báo thiên tai, mưa lớn diện rộng, thời tiết nguy hiểm khu vực tỉnh Đồng Tháp để các cấp, các ngành và nhân dân trên địa bàn Tỉnh chủ động phòng, tránh, ứng phó kịp thời. Chủ trì, phối hợp Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố khẩn trương rà soát về tình hình sản xuất nông nghiệp, đề xuất phương án khả thi nhất, đảm bảo an toàn cho diện tích sản xuất lúa, vườn cây ăn trái, rau màu và diện tích nuôi trồng thủy sản để tránh thiệt hại cho người nông dân. Đôn đốc các địa phương rà soát, đánh giá hiện trạng công trình đê điều, xác định các trọng điểm đê điều xung yếu và yêu cầu các địa phương phải xây dựng phương án bảo vệ đảm bảo an toàn khu dân cư vùng trũng thấp, phòng tránh đuối nước cho trẻ em; đảm bảo an toàn cho diện tích sản xuất lúa, vườn cây ăn trái, diện tích nuôi trồng thủy sản. Tổ chức trực ban 24/24 để tiếp nhận thông tin thiên tai, báo cáo kịp thời, đề xuất hướng xử lý tới Ủy ban nhân dân Tỉnh; kịp thời thông tin tình hình thiên tai, mưa lớn diện rộng, thời tiết nguy hiểm, công tác chỉ đạo điều hành đến các sở, ngành Tỉnh, Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố để triển khai các biện pháp phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh, Bộ đội Biên phòng Tỉnh, Công an Tỉnh: Theo dõi chặt chẽ tình hình sự cố, thiên tai, chủ động chỉ đạo, phối hợp với các sở, ngành, Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố triển khai công tác ứng phó, tìm kiếm cứu nạn khi có phát sinh tình huống, đảm bảo kịp thời, hiệu quả.

Sở Thông tin Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Đồng Tháp, Báo Đồng Tháp: Truyền phát kịp thời các tin tức, dự báo, cảnh báo thiên tai, mưa lớn diện rộng, thời tiết nguy hiểm khu vực Tỉnh, tình hình thiệt hại và công tác ứng phó, khắc phục của các ngành, các cấp; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng, tránh mưa lớn, dông, lốc, sấm sét, chằng chống nhà cửa.

Sở Xây dựng: Triển khai cho các địa phương về các phương pháp, cách thức gia cố nhà cửa và các công trình kết cấu hạ tầng, các công trình cộng cộng, kho tàng đề phòng lốc xoáy và gió mạnh nhằm để giảm thiểu tốc mái, sập nhà ở, bảo vệ tính mạng con người khi có mưa lớn, dông lốc xảy ra.

Sở Tài nguyên và Môi trường: Phối hợp với Đài khí tượng thuỷ văn tỉnh Đồng Tháp tổ chức theo dõi diễn biến mưa lớn diện rộng, thời tiết nguy hiểm, thủy văn trong tỉnh kịp thời phát các bản tin dự báo, cảnh báo mưa lớn, thời tiết nguy hiểm phục vụ cho công tác chỉ đạo điều hành của các cơ quan chức năng và nhân dân chủ động kịp thời phòng tránh giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.

Đề nghị thành viên Ban Chỉ đạo Ứng phó Biến đổi Khí hậu, phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Tỉnh, căn cứ chức năng nhiệm vụ của từng ngành, đơn vị chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lớn diện rộng và thời tiết nguy hiểm và các loại hình thiên tai khác trên khu vực Tỉnh; chủ động phối hợp với các địa phương thực hiện hỗ trợ cộng đồng công tác chuẩn bị ứng phó với các tình huống thiên tai nguy hiểm.

Ủy ban nhân dân huyện, thành phố: Theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo mưa lớn diện rộng trên khu vực Tỉnh, tình hình khí tượng thủy văn và phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết, cảnh giác, chủ động phòng tránh, cụ thể: Đối với cây lúa: Dời thời gian xuống giống đối với những diện tích lúa dự kiến gieo sạ từ ngày 16/8-20/8/2023, tránh tình trạng ngập úng, mất giống. Khẩn trương thu hoạch nhanh, gọn diện tích lúa đã đến kỳ thu hoạch theo phương châm “Xanh nhà hơn già đồng” nhằm hạn chế đổ ngã, rơi rụng, lúa mọc mầm trên bông làm giảm chất lượng lúa gạo. Đối với rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày: khuyến cáo người dân xẻ rãnh nhằm thoát nước nhanh, kịp thời khi bị ngập, tránh cây bị thối rễ, thối cây do ngập nước quá lâu; thu hoạch nhanh diện tích cây rau, màu đến kỳ thu hoạch; gia cố khung giàn, che chắn cho các loại rau ăn lá. Đối với cây ăn trái: khẩn trương cắt tỉa cành, dùng cây chống đỡ cành, nhánh lớn để hạn chế đổ gãy. Đối với cây đang mang quả, nếu đến kỳ thu hoạch cần chủ động thu sớm trước khi mưa lớn xảy ra, tỉa bỏ bớt quả trên chùm để giảm va đập gây hư hỏng hoặc rụng. Đối với diện tích trồng mới trong mùa mưa, cần dùng các biện pháp che mưa, chắn gió cho cây. Sử dụng tối đa nguồn vật liệu hữu cơ (rơm rạ, cỏ khô, lá khô,…) hoặc màng phủ nông nghiệp để phủ gốc giữ ẩm cho cây. Đối với nuôi thủy sản trên ao: Thường xuyên kiểm tra bờ ao, hệ thống ao nuôi, hệ thống cấp thoát nước. Nạo vét kênh cấp, thoát nước; gia cố, nâng cấp bờ ao, hệ thống cống cho chắc chắn để tránh sạt lở bờ ao và cao hơn đỉnh của mực nước lũ 0,5m; chuẩn bị lưới, cọc dự phòng để xử lý kịp thời khi nước lên quá đột ngột; gia cố các công trình phụ trợ tại cơ sở (kho thuốc, kho thức ăn, kho công cụ dụng cụ, nhà ở công nhân,…) đảm bảo an toàn khi mưa, bão đến. Đối với nuôi thủy sản lồng, bè: Thường xuyên kiểm tra lồng bè, thực hiện gia cố lại lồng bè, hệ thống neo định vị; tăng cường hệ thống phao nổi; vệ sinh lồng bè thông thoáng; khi cần thiết di chuyển lồng bè đến nơi lưu tốc dòng chảy nhẹ, vào khu vực kín gió, an toàn. Đối với các lồng bè cũ, yếu cần thu hoạch nhằm đề phòng thiệt hại do áp lực nước tác động mạnh sẽ gây vỡ lồng, bè. Trường hợp không di chuyển được lồng bè cần che chắn mặt lồng/bè bằng lưới có kích thước mắt lưới phù hợp để hạn chế dòng chảy ảnh hưởng đến thủy sản nuôi.

Xem chi tiết tại Công văn

 

Tin cùng danh mục

Tăng cường triển khai các giải pháp thúc đẩy lộ trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu

Tăng cường triển khai các giải pháp thúc đẩy lộ trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu

03:49 04/12/2024

Quản lý chất lượng giống cây ăn quả trên địa bàn Tỉnh

Quản lý chất lượng giống cây ăn quả trên địa bàn Tỉnh

03:49 04/12/2024

Tăng cường triển khai các giải pháp ngăn chặn tình trạng săn bắt trái phép, quản lý nuôi chim yến và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm tổ yến

Tăng cường triển khai các giải pháp ngăn chặn tình trạng săn bắt trái phép, quản lý nuôi chim yến và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm tổ yến

03:49 04/12/2024

Triển khai thực hiện phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Đồng Tháp năm 2023

Triển khai thực hiện phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Đồng Tháp năm 2023

03:49 04/12/2024

Tháo gỡ khó khăn vướng mắc phát triển ngành hàng sen trên địa bàn Tỉnh

Tháo gỡ khó khăn vướng mắc phát triển ngành hàng sen trên địa bàn Tỉnh

03:49 04/12/2024