Tháp Mười thực hiện nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả ngành lúa gạo
Ngày đăng: 04/06/2024

Những năm qua, ngành nông nghiệp huyện Tháp Mười đề ra nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, nhất là ứng dụng các tiến bộ khoa học, liên kết sản xuất tiêu thụ. Từ đó, giúp tăng năng suất, chất lượng, giá trị cho diện tích sản xuất lúa, gạo trên địa bàn.


Sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP giúp ông Trần Văn Hội (ấp 6B, xã Trường Xuân) bỏ dần thói quen đốt đồng, hình thành tư duy sản xuất xanh, sạch, bền vững

Tháp Mười có diện tích sản xuất lúa hàng năm khoảng 115.770ha, sản lượng đạt 793.429,1 tấn. Ngành nông nghiệp huyện Tháp Mười đã khuyến khích bà con nông dân từng bước áp dụng cơ giới hóa, cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất, chăm sóc, thu hoạch đến bảo quản và chế biến nông sản; triển khai thí điểm và nhân rộng các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất lúa gạo trên diện rộng. Đến nay, 100% các khâu sản xuất (làm đất, bơm tưới nước và thu hoạch...) đều được cơ giới hóa. Các mô hình sản xuất lúa hữu cơ, ứng dụng khoa học công nghệ cũng được nhân rộng tại các xã, thị trấn. Cụ thể, vụ thu đông năm 2023, huyện đã triển khai mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại ấp Mỹ Nam 1, xã Mỹ Quý, với diện tích 4ha, đạt lợi nhuận cao hơn so với đối chứng là 1.369.000 đồng/ha. Qua thực hiện mô hình tạo điều kiện cho nông dân trong và ngoài mô hình nắm được quy trình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, nâng cao kiến thức, kỹ năng quản lý đồng ruộng, áp dụng tốt các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản, an toàn sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng.

Thực hiện Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao vùng đồng bằng sông Cửu Long, huyện đã phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh thực hiện mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP tại các Hợp tác xã (HTX): Thắng Lợi, Đông Thành, Trường Phát và Hưng Thạnh. Mô hình tổ chức tập huấn đầu vụ cho nông dân về 41 tiêu chí sản xuất lúa SRP và hướng dẫn nông dân ghi chép nhật ký sản xuất. Riêng tại HTX Thắng Lợi và HTX Đông Thành thực hiện thêm mô hình ngập khô xen kẽ (AWP), đặt 60 ống cảm biến mực nước theo dõi mực nước. Mô hình cho năng suất khoảng 6,5 tấn/ha, lợi nhuận từ 25 - 30 triệu đồng/ha.

Công tác liên kết sản xuất, tiêu thụ cũng được địa phương xác định là khâu then chốt, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Đến nay, tổng diện tích liên kết tiêu thụ lúa là 26.003,8ha, với các hình thức liên kết như: đầu tư giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tiêu thụ; đầu tư giống, tiền và tiêu thụ...

Đặc biệt, ngành nông nghiệp huyện cũng đã quan tâm, hỗ trợ, khuyến khích nông dân ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất thông qua công tác tập huấn, hướng dẫn nông dân các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất; các kỹ năng số trên sàn thương mại điện tử Voso.vn và Postmart.vn; hỗ trợ tạo tài khoản và đưa sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp đặc thù của địa phương lên sàn thương mại điện tử...

baodongthap.vn

 

Tin cùng danh mục

Tập huấn quy trình canh tác lúa giảm phát thải

Tập huấn quy trình canh tác lúa giảm phát thải

06:59 21/11/2024

Nông dân xã Vĩnh Thới liên kết trồng na Hoàng Hậu có hiệu quả

Nông dân xã Vĩnh Thới liên kết trồng na Hoàng Hậu có hiệu quả

06:59 21/11/2024

Tập huấn giảng viên ToT triển khai Đề án một triệu ha lúa

Tập huấn giảng viên ToT triển khai Đề án một triệu ha lúa

06:59 21/11/2024

Huyện Lấp Vò tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững

Huyện Lấp Vò tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững

06:59 21/11/2024

Khảo sát Hợp tác xã thực hiện hỗ trợ từ Quỹ Thiện Tâm

Khảo sát Hợp tác xã thực hiện hỗ trợ từ Quỹ Thiện Tâm

06:59 21/11/2024