Đồng hành cùng sự phát triển mô hình hội quán
Ngày đăng: 22/11/2022

Đến nay, toàn tỉnh có 129 hội quán (HQ) với trên 6.600 thành viên. Từ đầu năm đến nay, thành lập mới 14 HQ. Hoạt động của HQ đa dạng các loại hình như: sản xuất cây ăn trái, lúa, rau màu, hoa kiểng, nuôi cá tra, cá lồng bè, lươn thịt, sản xuất khô mắm, kinh doanh đa ngành nghề, du lịch và sản xuất bột...


Thành viên của Tâm Quê Hội quán (xã Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh) sản xuất phân hữu cơ để tưới xoài

Thời gian qua, các ngành, các cấp đều quan tâm triển khai thực hiện các nội dung về hỗ trợ phát triển và nâng cao chất lượng HQ trên địa bàn tỉnh. Công tác đào tạo, tập huấn bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ của Ban Chủ nhiệm, thành viên HQ được quan tâm thực hiện.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có chính sách riêng để hỗ trợ cho các HQ. Tuy nhiên, từ nhu cầu thực tế, các sở, ngành tỉnh phối hợp cùng các địa phương triển khai thực hiện hỗ trợ HQ theo nhiệm vụ, chức năng của đơn vị. Theo đó, hỗ trợ các HQ 30 bộ phân tích nhanh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên rau quả tươi và 40 máy đo độ pH đất; 8 bộ dụng cụ quan trắc môi trường nước để phục vụ sản xuất...

Đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn HQ về điều kiện cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đến nay, có 12 HQ được cấp mã số vùng trồng với diện tích 419,53ha xuất khẩu trái cây (xoài, mít, nhãn và thanh long) sang thị trường: Trung Quốc, Hoa Kỳ, New Zealand, Hàn Quốc, Singapore. Nhằm phát triển hoạt động HQ, tỉnh còn hỗ trợ các HQ xây dựng, phát triển mô hình du lịch; ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất...

Thời gian qua, Tổ tư vấn Kinh tế tập thể cấp tỉnh, huyện thực hiện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ thành lập hợp tác xã (HTX) từ mô hình HQ; hướng dẫn, hỗ trợ hoạt động, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các HTX; hỗ trợ, hướng dẫn việc tổ chức lại sản xuất, ứng dụng các mô hình công nghệ trong sản xuất theo quy chuẩn (an toàn thực phẩm, GAP và hướng hữu cơ...) gắn với mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc. Đến nay, toàn tỉnh có 180 HTX nông nghiệp, trong đó có 30 HTX nông nghiệp được thành lập từ 31 mô hình HQ. Ngoài ra, có 2 HQ tại TP Sa Đéc đã thành lập công ty.

Việc phát triển các HQ có mô hình hay, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất được tỉnh quan tâm. Theo đó, tỉnh thực hiện 3 Đề tài nghiên cứu về mô hình HQ gồm: đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình Làng thông minh phát triển từ HQ nông dân tại Đồng Tháp”, đề tài “Tổng kết, đánh giá mô hình HQ của tỉnh Đồng Tháp, giai đoạn 2016-2019” và đề tài “Nghiên cứu, xây dựng quy trình sản xuất và sử dụng chế phẩm thảo mộc phòng trị sâu bệnh hại cây trồng tại TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp”. Bên cạnh đó, tuyên truyền về kỹ thuật sản xuất, các mô hình có hiệu quả, các quy định đối với nông sản an toàn; hỗ trợ thực hiện các mô hình hay, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào hoạt động sản xuất.

Đồng hành cùng sự phát triển của các HQ, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành tỉnh phối hợp các đơn vị liên quan và địa phương thực hiện các hoạt động về xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, hỗ trợ phát triển bao bì, nhãn hiệu cho các sản phẩm hàng hóa của các doanh nghiệp, HTX, HQ trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần hỗ trợ các chủ thể nâng cao chất lượng quản trị, duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm, từng bước ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, triển khai một số chương trình, hoạt động hỗ trợ trên cơ sở gắn kết vùng nguyên liệu, đáp ứng nhu cầu của thị trường nhằm ươm tạo cho các dự án khởi nghiệp, doanh nghiệp, HTX, HQ tiềm năng phát triển, chuẩn hóa sản phẩm để tham gia có hiệu quả chương trình OCOP.

Theo UBND tỉnh, bên cạnh một số kết quả đạt được, hoạt động của các HQ vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Một số Ban Chủ nhiệm HQ còn thiếu tự tin trong tổ chức, điều hành hoạt động, nội dung sinh hoạt có lúc chưa được phong phú; một số thành viên chưa thật sự gắn bó với HQ. Bên cạnh đó, việc liên kết giữa các HQ với doanh nghiệp trong sản xuất chưa nhiều và ổn định, nhất là việc liên kết trong cung ứng vật tư đầu vào và đầu ra sản phẩm.

Một số HQ chưa hội đủ các điều kiện để ứng dụng khoa học và công nghệ đạt hiệu quả, đặc biệt là trong việc đổi mới, chuyển giao công nghệ, xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến và các công cụ cải tiến năng suất, chất lượng. Mặt khác, tỉnh chưa có chính sách riêng để hỗ trợ HQ, các chính sách hỗ trợ được thực hiện lồng ghép từ các chương trình, dự án được triển khai trên địa bàn tỉnh...

Trước thực tế đó, trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành phối hợp với các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ phát triển HQ. Tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo và bồi dưỡng về quản trị, xây dựng và thực hiện có hiệu quả trong sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tiếp cận thị trường...

Đồng thời khuyến khích và nhân rộng các HQ có mô hình sản xuất hiệu quả, an toàn gắn với truy xuất nguồn gốc, mã vùng trồng, tham gia chương trình OCOP; tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm các mô hình hay, cách làm mới, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Hỗ trợ, tư vấn cho HQ tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới để nâng cao chất lượng và giá trị của nông sản. Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động liên kết viện, trường với HQ trên địa bàn tỉnh trong đổi mới, chuyển giao công nghệ phục vụ hoạt động khởi nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo...

Không dừng lại đó, tỉnh định hướng hỗ trợ tuyên truyền, vận động HQ thành lập HTX khi đủ điều kiện; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại nhằm quảng bá sản phẩm nông sản của HQ; hỗ trợ liên kết tiêu thụ nông sản, bảo quản, chế biến sản phẩm; xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa. Tiếp tục thực hiện thông tin và phân tích thị trường nông sản về giá cả thị trường nông sản đến các cơ quan, doanh nghiệp, HTX, HQ trên địa bàn tỉnh để kịp thời nắm bắt thông tin nhằm chủ động trong sản xuất, kinh doanh.

Để tiếp cận sâu với thị trường, tỉnh tiếp tục hỗ trợ phát triển bao bì, nhãn hiệu, kết nối tiêu thụ, kinh doanh trên nền tảng số, thực hiện hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn và đẩy mạnh phát triển sản phẩm nông nghiệp đặc trưng theo Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh...

Tin cùng danh mục

Huyện Châu Thành thực hiện chuyển đổi số ngành nông nghiệp giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030

Huyện Châu Thành thực hiện chuyển đổi số ngành nông nghiệp giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030

07:17 21/11/2024

HƯỚNG DẪN TẠM THỜI CHĂM SÓC VƯỜN CÂY HOA KIỂNG BỊ ẢNH HƯỞNG TRONG MÙA LŨ

HƯỚNG DẪN TẠM THỜI CHĂM SÓC VƯỜN CÂY HOA KIỂNG BỊ ẢNH HƯỞNG TRONG MÙA LŨ

07:17 21/11/2024

Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030

Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030

07:17 21/11/2024

Kết quả đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản trong lĩnh vực nông nghiệp tháng 9 năm 2022

Kết quả đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản trong lĩnh vực nông nghiệp tháng 9 năm 2022

07:17 21/11/2024

HƯỚNG DẪN CHĂM SÓC VƯỜN CÂY ĂN TRÁI BỊ NGẬP NƯỚC DO ẢNH HƯỞNG DO TRIỀU CƯỜNG

HƯỚNG DẪN CHĂM SÓC VƯỜN CÂY ĂN TRÁI BỊ NGẬP NƯỚC DO ẢNH HƯỞNG DO TRIỀU CƯỜNG

07:17 21/11/2024