QUY TRÌNH KỸ THUẬT PHÒNG, CHỐNG SÂU KEO MÙA THU (Spodoptera frugiperda)
Ngày đăng: 20/05/2019

Sâu keo mùa thu có tên tiếng Anh là Fall Armyworm, tên khoa học là Spodoptera frugiperda, thuộc Bộ Lepidoptera, họ Noctuidae. Sâu có thể ăn hơn 300 loài thực vật, bao gồm cả bắp, bông, đậu nành, lúa, mía, cây rau, cà... Tuy nhiên sâu ưa thích nhất cây bắp, nhất là bắp ngọt, bắp nếp và bắp rau.

Vòng đời của sâu gồm: trứng, ấu trùng (có 6 tuổi), nhộng và thành trùg, tuy nhiên, chỉ có giai đoạn ấu trùng gây hại trên cây trồng. Sâu non tuổi 1-2 cơ thể màu xanh nhạt – vàng nhạt là phổ biến, sâu no tuổi 3-6 có màu nâu xám – nâu sẫm với các sọc dọc thân. Trên trán sâu non tuổi lớn nhìn rõ hình chữ Y ngược màu vàng, mặt lưng màu đen với lông cứng dài. Trên mặt lưng đốt bụng cuối có 4 đốm đen được sắp xếp thành hình vuông trong khi các đốt khác có 4 đốm đen xếp thành hình thang. Sâu non tuổi 1-2 ăn biểu bì ở mặt dưới của lá non gây ra các vết hình vuông hoặc hình chữ nhật màu trắng đặc trưng. Sâu non tuổi lớn hơn ăn khuyết lá, bẹ lá tạo thành các lỗ lớn như “cửa sổ”. Sâu non di chuyển khoảng cách gần (cây này sang cây khác, ruộng này sang ruộng khác); sâu non, nhộng, trứng thậm chí là trưởng thành di chuyển theo sản phẩm, phế phẩm cây ký chủ trong quá trình vận chuyển; trưởng thành có thể bay theo gió với khoảng cách vài trăm mét đến hàng chục, hàng trăm ki-lo-mét.

 

Theo thông tin của Cục Bảo vệ thực vật, loài sâu keo mùa thu (Spodoptera frugiperda) đã xuất hiện, gây hại tại một số tỉnh phía Bắc, một số tỉnh Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long (Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Hậu Giang và An Giang). Tuy nhiên, đến ngày 17/5/2019 loại sâu này đã xuất hiện tại huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp.

Cục Bảo vệ thực vật ban hành Quy trình kỹ thuật phòng chống sâu keo mùa thu nhằm giảm tổn thất, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển sản xuất an toàn, bền vững:

a. Biện pháp canh tác

- Làm sạch cỏ dại xung quanh vườn trồng bắp để hạn chế nơi trú ẩn của sâu.

- Làm đất rồi phơi đất khô để ấu trùng, nhộng trong đất chết hoặc dễ dàng bị thiên địch tiêu diệt.

- Luân canh bắp với lúa nước ngay sau vụ bắp để diệt nhộng trong đất. Làm đất kỹ cũng góp phần diệt nhộng trong đất.

b. Biện pháp thủ công

- Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, đặc biệt là giai đoạn bắp 3-6 lá để phát hiện ổ trứng, ngắt tiêu hủy.

- Sử dụng tro bếp hoặc nước xà phòng loãng đổ vào nõn bắp diệt sâu non.

c. Biện pháp sinh học

- Hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để bảo vệ thiên địch của sâu keo mùa thu.

- Sử dụng chế phẩm nấm xanh, nấm trắng, vi khuẩn Bt, virus NPV để phun trừ khi sâu tuổi nhỏ.

- Nhân thả ong ký sinh trứng (ong mắt đỏ,...), các loài bắt mồi ăn thịt như bọ đuôi kìm để kiểm soát sâu non mới nở – tuổi nhỏ.

d. Biện pháp bẫy, bả

- Bẫy bả, bẫy đèn: Sử dụng bẫy dính màu vàng có pheromone giới tính, bẫy bả chua ngọt hoặc bẫy đèn để diệt trưởng thành.

- Bẫy cây trồng: Trên cánh đồng bắp trồng một số diện tích cỏ voi, bắp nếp sớm hơn so thời vụ chung để dẫn dụ trưởng thành đến đẻ trứng. Sử dụng bẫy diệt trưởng thành, ngắt ổ trứng và phun trừ sâu non trên các diện tích bẫy cây trồng.

e. Biện pháp hóa học

- Sử dụng các hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng để phun trừ khi sâu đa số tuổi 1-3 (giai đoạn ngô 3-6 lá), phun sáng sớm hoặc chiều mát.

- Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng.

- Trường hợp Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam chưa có thuốc trừ sâu keo mùa thu thì theo hướng dẫn của Cục Bảo vệ thực vật.

Danh sách các hoạt chất phòng trừ sâu keo mùa thu (Ban hành kèm theo Công văn số 1066/BVTV-QLT ngày 03 tháng 5 năm 2019 của Cục Bảo vệ thực vật)

TT

Hoạt chất

Liều lượng (g a.i/ha)

Thời điểm phun

1

Bacillus thuringiensis

300-500

Phun 2 lần, cách nhau 7 ngày. Phun thuốc khi sâu mới xuất hiện, tuổi 1-2. Lượng nước phun 400-600 lít/ha. Phun theo hàng ướt đều 2 mặt lá và nách lá.

2

Spinetoram

30-36

Phun giai đoạn cây có 4-6 lá thật khi sâu mới xuất hiện ở tuổi 1-2. Phun 2 lần, cách nhau 10-12 ngày, lượng nước phun 400-600 lít/ha. Phun theo hàng ướt đều 2 mặt lá và nách lá.

3

Indoxacarb

75

Phun giai đoạn cây có 4-6 lá thật khi sâu mới xuất hiện ở tuổi 1-2. Phun 2 lần, cách nhau 10-12 ngày, lượng nước phun 400-600 lít/ha. Phun theo hàng ướt đều 2 mặt lá và nách lá.

4

Lufenuron

30

Phun giai đoạn cây có 4-6 lá thật khi sâu mới xuất hiện ở tuổi 1-2. Phun 2 lần, cách nhau 10-12 ngày, lượng nước phun 400-600 lít/ha. Phun theo hàng ướt đều 2 mặt lá và nách lá.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đồng Tháp.

Tin cùng danh mục

Dự báo tình hình sinh vật gây hại từ ngày 16/5/2019 đến ngày 22/5/2019

Trên đồng rầy nâu tuổi 4 – 5, trưởng thành tiếp tục gây hại chủ yếu ở mức nhẹ - trung bình trên lúa giai đoạn cuối đẻ nhánh – đòng trỗ. Do lúa diện tích ...

08:23 21/11/2024

Dự báo tình hình sinh vật gây hại từ ngày 02/5/2019 đến ngày 08/5/2019

Dự báo đợt rầy cám mới sẽ nở rộ từ 10 - 17/5/2018 với mật số gây hại chủ yếu ở mức nhẹ - trung bình, cục bộ có diện tích nhiễm nặng do rầy tích lũy mật ...

08:23 21/11/2024

Dự báo tình hình sinh vật gây hại từ ngày 25/4/2019 đến ngày 01/5/2019

Rầy nâu tuổi 5 – trưởng thành tiếp tục phát triển và gây hại chủ yếu ở mức nhẹ trên lúa giai đoạn cuối đẻ nhánh – đòng trỗ. Dự báo từ 25/4 - 02/5/2019 ...

08:23 21/11/2024

Sâu keo mùa thu đã xuất hiện và tàn phá ngô tại Việt Nam

Cục BVTV (Bộ NN-PTNT) đã chính thức xác nhận, loài sâu keo mùa thu (tên tiếng Anh là Fall Armyworm, tên khoa học là Spodoptera frugiperd) đã chính thức ...

08:23 21/11/2024